Dân Ca Ví Giặm - Di Sản Thế Giới Tại Việt /nam

30/03/2017 02:10 +07 - Lượt xem: 17281

Vào hồi 17h10′ giờ Paris (23h10′ giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại thành phố Paris, nước Cộng hòa Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (gọi tắt là Nghệ Tĩnh)Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Đặc điểm của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên, v.v

Là lối hát ví von để đối đáp giữa bên nam và bên nữ, ví thuộc thể ngâm vĩnh bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể…). Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao thấp, ngắn dài tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Tính biểu cảm của hát ví phụ thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và tâm tính của người hát. Vì vậy, điệu ví nghe lúc thì mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, đôi khi lại dí dỏm, hài hước, tươi trẻ. Có nhiều loại ví khác nhau như: ví phường cấy, ví phường gặt, ví phường nón, ví phường đan, ví phường vải, ví phường củi, ví trèo non, ví đò đưa,… với ba hình thức diễn xướng là hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc.

Giặm gần nghĩa với giặm lúa, điền nan, là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn (vè 5 chữ). Thông thường, một bài giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 chữ (không kể phụ âm đệm). Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh – phách nhẹ, nhịp nội – nhịp ngoại với hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói. Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày, cũng có khi dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình giao duyên. Có nhiều loại giặm khác nhau như: giặm kể, giặm nói, giặm vè, giặm nam nữ, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm… với hai hình thức diễn xướng là giặm vè và giặm nam nữ.

Dân ca ví, giặm sử dụng nhiều từ ngữ địa phương với lối hát gần gũi, mộc mạc. Kỹ thuật hát chủ yếu được các nghệ nhân trao truyền bằng hình thức truyền khẩu, đảm bảo khi hát phải đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy, thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ Tĩnh.


Xem thêm bài viết qua bài viết 

– Cộng Đồng Dân Tộc Ở Nghệ An 

-Những điểm du lịch tại Nghệ An 

– Đặc Sản Nghệ An 

 




Bài xem nhiều