Vì sao Đền Trần Thái Bình được coi là nơi thờ chính của dòng họ Trần?

30/03/2017 02:24 +07 - Lượt xem: 114954
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại nô nức đi lễ đầu năm, cầu mong cho một năm mới nhiều may mắn, bình an, mọi việc suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió. Trong số những địa điểm tâm linh nổi tiếng được du khách thường xuyên lui tới có Đền Trần Thái Bình- nơi phát nghiệp của dòng họ Trần.
Đền Trần Thái Bình nằm ở Tam Đường, xã Tiến Đức của huyện Hưng Hà. Mặc dù, tại Nam Định cũng có đền Trần song khu đền tại Thái Bình mới được coi là nơi thờ chính. Nguyên do có đến hai đền thờ dòng họ Trần ở hai tỉnh canh nhau thì chúng ta cần nhìn về quá khứ một chút để có thể hiểu được.
Đền Trần tại huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình.
Theo những thông tin được ghi chép lại, ông tổ của dòng họ Trần có tên là Trần Kinh. Đây là một người rất thông thạo chuyện sông nước, sống bằng nghề chà lưới trên dòng sông Nhị Hà- một tên gọi khác của sông Hồng. Ông mưu sinh tại hương Tức Mặc (tức là vùng đất Nam Định ngày nay), sau đó có lấy một người con gái cùng hương và sinh ra Trần Hấp.
Ở khu vực đó, trong thời kỳ vua Lý Thần Tông (1128-1138), xuất hiện một thầy địa lý đi đến đó để xem hướng đất. Sau khi đi qua khu vực thuộc xã Thái Đường, phủ Long Hưng ông có nhìn thấy một gò Hoả Tinh. Thầy địa lý nhận thấy rằng, ở một nơi đất bằng phẳng lại xuất hiện một gò lớn như vậy thì nơi đây hẳn không phải là hoang địa. Thầy đã tìm đến ở trọ trong một gia đình ở làng bên, được biết thầy rất giỏi xem địa lý, phong thuỷ nên gia đình đó đã nhờ thầy xem giúp hướng đất để đặt mộ. Sau khi thầy địa lý xem giúp, người trong gia đình đó lại nảy sinh lòng dạ xấu, liền đem thầy trói lại và quẳng xuống dòng sông Nhị Hà. May thay, lúc đó thuỷ triều đang xuống, vừa lúc Trần Hấp đang kéo lưới ngay gần, khi nghe thấy tiếng kêu cứu của thầy địa lý, Trần Hấp đã vớt lên thuyền và được nghe kể lại toàn bộ câu chuyện.
Để trả ơn cứu mạng, thầy địa lý đã chỉ cho Trần Hấp vị trí tốt để di mộ cha mình, tức là Trần Kinh đến đó. Theo lời thầy, Trần Hấp đã di mộ của cha mình đến Gò Hoả Tinh trên đất Thái Đường. Cũng từ đây, hương Tức Mặc chỉ còn là quê ngoại mà thôi. Trong suốt 28 năm sau đó, trước khi lấy vợ và sinh ra Trần Lý, Trần Nghị thì Trần Hấp đã có thời gian gắn bó với vùng đất Thái Đường. Trần Lý, con trai của Trần Hấp sau này đã sinh được 4 người con, hai trai hai gái. Một trong hai người con trai đó chính là Thái Thượng Hoàng sau nay của triều đại nhà Trần- Trần Thừa. Một trong hai người con gái của Trần lý chính là Trần Thị Dung- vợ của Thái tử Sảm. Cũng từ thời điểm này mà nhà Trần bắt đầu xuất hiện những mối quan hệ hôn nhân cùng huyết thống vô cùng phức tạp.
Như vậy, mặc dù Tức Mặc là vùng đất mà Trần Kinh, ông tổ của dòng họ Trần từng sinh sống nhưng chỉ ở đây một đời, đến Trần Hấp ông đã cho di mộ tổ tiên sang đất Thái Đường (Thái Bình ngày nay). Trước khi phát nghiệp ra triều đại phong kiến nhà Trần, đất Thái Đường cũng chính là nơi sinh sống của 4 đời họ Trần thừ Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Thừa sinh Trần Cảnh- vị vua khai sáng triều đại nhà Trần. 
Nhìn vào những thay đổi này, ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao cả Nam Định và Thái Bình ngày nay đều lập đền thờ dòng họ Trần nhưng khu đền Trần tại Hưng Hà Thái Bình mới được coi là nơi thờ chính. Đây cũng là địa điểm tâm linh nổi tiếng của khu vực miền Bắc Việt Nam.
Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra sôi nổi trong không khí xuân sang.
 




Bài xem nhiều