Thăm quan, tìm hiểu về Di tích Cố đô Huế - Du lịch Huế
Cùng Du lịch Viettourist khám phá những công trình kiến trúc còn lại của khu di tích cố đô Huế các bạn nhé:
- Cửu vị thần công
Cửu vị thần công được đúc tại Huế từ tháng 2 năm 1803 đến tháng 1 năm 1804 do lính thợ ở bộ Công và binh sĩ ở bộ Binh thực hiện. Vật liệu là tất cả các khí mạnh bằng đồng tịch thu được của triều Tây Sơn.
Cửu vị thần công được đặt tên theo “tứ thời”: Xuân, hạ, thu, đông; “ngũ hành”: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm 1816, chín khẩu súng còn được triều Gia Long đặt tên mới đó là: Thần Oai vô địch Thượng Tướng Công Cửu Vị. Khậu nặng nhất có trọng lượng lên đến 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất là 17.200 cân, trọng lượng đồng của chín khẩu là 140.300 cân. Mỗi khẩu được kê trên một giá súng bằng gỗ chạm trổ công phu. Hai bên giá là bốn bánh xe bằng gỗ viền sắt dùng để di chuyển.
Đây là những khẩu thần công lớn nhất ở Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc.
2. Đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806 dưới thời vua Gia Long thuộc phường Trường An, là nơi nhà vua làm lễ tế trời. Đàn gồm ba tầng, quay mặt về hướng nam. Tầng thứ nhất hình vuông, màu đỏ tượng trưng cho người. Tầng tứ hai cũng hình vuông, gọi là Phương đàn, màu vàng tượng trưng cho đất. Tầng thứ ba hình tròn, gọi là viên Đàn, màu xanh, tượng trưng cho trời.
Đàn Nam Giao – Huế.
Ngoài ba tầng của Đàn Nam Giao, còn một số nhà phụ, được xây dựng cố định lợp ngói như: Trai cung, là nơi vua lên tạm trú vài ngày để chay tịnh trước khi tế, Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), một số nhà tạm thời bằng gỗ, lợp tranh chỉ dựng lên trong những ngày tế lễ.
3. Thái Miếu
Thái Miếu nằm bên trong khu vực Hoàng Thành Huế. Thái Miếu (tức Thái Tổ Miếu) là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần.. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) ở góc đông nam trong Hoàng Thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía Tây Nam.
Quy mô và bố trí kiến trúc ở Thái Miếu gần tương tự như Thế Miếu. Trong kháng chiến, đầu năm 1947, khu vực Thái Miếu gần như bị thiêu hủy hoàn toàn. Năm 1971 -1972, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã quyên góp và dựng lại một tòa nhà 5 gian trên nền cũ ngôi điện chính để làm nơi thờ tự các chúa Nguyễn.
4. Phu Văn Lâu
Thuộc phường Phú Hòa, thành phố Huế. Tòa lầu này dùng làm nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân được biết: những chiếu chỉ của nhà vua hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Đình. Ngoài ra, đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng.
Phu Văn Lâu là một tòa nhà lầu cao 11,67m, mái lợp gói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly), tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ sậm (4 cột chính xuyên suốt cả hai tầng, 12 cột quân), có hệ thống lan can bao xung quanh, không gian tầng dưới hoàn toàn để trống. Tầng hai, 4 mặt đều dựng đố bản, kiểu đồ lụa khung tranh, hai bên trổ cửa sổ tròn, lan can bên ngoài bằng gỗ, trên cửa sổ mặt tiền có treo hoành phi sơn son thiếp vàng, trang trí dây lá cách điệu “lưỡng long triều nguyệt”.
Trong gần 190 năm tồn tại, Phu Văn Lâu được trùng tu khoảng 10 lần, lần sớm nhất vào năm 1905, lần gần đây vào năm 1994, 1995. Qua nhiều lần trùng tu nhưng về phương diện kết cấu kiến trúc không có gì thay đổi đáng kể.
5. Hổ Quyền
Đây là trường đấu giữa voi và hổ. Một công trình kiến trúc độc đáo cách Huế 4km, nằm trên Bờ Nam sông Hương. Hổ quyền được xây dựng năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng, gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, ngoài trát vôi vữa. Đường kính vòng ngoài 45m, cao 4,5m; đường kính vòng trong 35m, cao 6m, nơi đây thường tổ chức các cuộc đấu giữa voi và hổ để giải trí cho vua quan và hoàng tộc.
Trận đấu cuối cùng được tổ chức tại Hổ Quyền vào năm 1904, dưới thời vua Thành Thái.