Thăm quan Di tích lịch sử văn hóa- Kinh thành Huế (Phần 1)

28/09/2017 21:31 +07 - Lượt xem: 23399

Trong hành trình thăm quan du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chắc chắn không một du khách nào có thể bỏ qua địa điểm hấp dẫn, nổi tiếng không chỉ trong nước mà đối với cả bạn bè quốc tế. Đó chính là kinh thành Huế.

Phần kinh thành Huế còn lại cho đến ngày nay là được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long và hoàn thành vào năm 1832 thời vua Minh Mạng, trên khoảng diện tích 5,2km vuông, bên bờ bắc của sông Hương.

Kinh thành Huế được xây dựng theo lối kiến trúc của phương Tây kết hợp một cách tài tình với kiến trúc thành quách phương Đông. Kinh thành gồm 3 vòng thành: phòng thành, hoàng thành và tử cấm thành.

Bên trong các lớp thành cao, hào sâu là một tổng thể với hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tất cả những công trình này được xây xung quanh một trục chính, theo hướng nam, bắc. Khởi đầu là kỳ đài, tiếp đến là Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung và chấm hết ở cửa Hòa Bình. Các công trình kiến trúc còn lại được xây đăng đối ở hai bên đường trục.

Ngọ Môn

Ngọ Môn là một công trình kiến trúc bề thế dài 58m, rộng 27,5m và cao 17m gồm có 3 tầng, là cửa chính nam của Hoàng Thành.

Ngọ Môn có 5 cửa, cửa chính giữa chỉ dành cho vua đi, cao khoảng 5m và rộng 4m, hai cửa liền kề là tả, hữu giáp môn dành cho các quan. Hai cửa ngoài cùng là tả, hữu dịch môn dành cho lính hầu và đoàn tùy tùng. Tầng trên là lầu Ngũ Phụng, nơi nhà vua ngự trong các dịp lễ trọng. Ngọ Môn cũng là nơi cử hành lễ xướng danh các sĩ tử trúng tuyển trong các khoa thi Hội, thi Đình trước khi đem yết bảng ở Phú Văn Lâu.

Suốt thời nhà Nguyễn, chỉ những khi vua qua lại hoặc nhà vua tiếp các sứ thần thì Ngọ môn mới được mở ra.

Điện Thái Hòa

Điện được xây dựng năm 1805, theo thể thức chung của các cung điện ở kinh thành Huế thế kỷ XIX. Mặt bằng kiến trúc của điện khoảng 1.300 mét vuông, căn nhà chính dài 43,3 met vuông, rộng 30,3 mét vuông. Điện gồm hai nhà ghép lại, nhà trước là tiền điện, nhà sau là chính điện, nơi đặt ngai vàng của vua.

Điện Thái Hòa là trung tâm quan trọng nhất của kinh thành, tại đây tổ chức các buổi lễ đại triều.

Thế Miếu

Đây là một trong nhiều khu miếu thờ cúng các vị vua, chúa triều Nguyễn. Trong Hoàng thành có 5 ngôi miếu thờ gồm: Triệu Miếu – thờ Nguyễn Kim, người được coi là mở đầu của triều Nguyễn, Thái miếu – thờ 9 chúa Nguyễn, Hưng Miếu – thờ cha và mẹ của vua Gia Long; và điện Phụng Tiên cũng để thờ các vua nhà Nguyễn nhưng để dành cho các bà ở nội cung đến lễ vì họ không được vào Thế Miếu.

Thế Miếu được xây dựng từ năm 1821 để thờ vua Gia Long. Sau đó thờ Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Khải Định. Vào tháng 1 năm 1959, trước yêu cầu của Hoàng Tộc và quần chúng, linh vị ba ông vua có tinh thần chống Pháp là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân đã được đưa vào thờ ở Thế Miếu. Cho tới nay, Thế Miếu thờ 10 vị vua.

Thế Miếu là một tòa nhà kép như điện Thái Hòa, dài 55m, rộng 28m, mỗi gian trong nội thất của Thế Miếu đặt một sập chân quỳ sơn son thiếp vàng, khán thờ, bài vị và một số đồ tế khí quý giá. Tại đây, vào ngày mất của các vua triều Nguyễn đời trước, triều đình tổ chức lễ tế rất lớn do đích thân nhà vua đứng ra chủ trì. So với các miếu, điện ở Việt Nam, Thế miếu là một công trình to lớn bậc nhất.

Cửu Đỉnh

Chín cái đỉnh bằng đồng, mỗi đỉnh mang một tên: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Lớn nhất là Cao đỉnh nặng 4.307 cân, cao 2,5 mét. Chín đỉnh này được đúc trong ba năm từ 1835 -1837 và phải sử dụng đến 20 tấn đồng. Đây chính là những thành tựu suất sắc về kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng của Việt Nam thế kỷ XIX.

Mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua và cả hàng đỉnh tượng trưng cho sự bền vững của triều đại nhà Nguyễn. Trên thân mỗi đỉnh có 17 họa tiết, chữ đúc nổi rất thanh thoát, sắc nét theo mô típ cổ điển về các chủ đề phong cảnh, sản vật, chim muông, hoa lá và cảnh mô tả sinh hoạt của người Việt Nam.

Hiển Lâm Các

Hiển Lâm Các nằm chung khu vực với Thế Miếu, xây dựng từ năm 1821 đến năm 1822. Công trình duy nhất có 3 tầng và cũng là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng thành. Hiển Lâm Các có khung dựng bằng gỗ, nó thoát ly tính đơn điệu về chiều ngang của cung điện. Hiển Lâm Các có công năng như đài tưởng niệm, ghi công tích của những công thần trong triều đại nhà Nguyễn. Nếu các vua Nguyễn được thờ trong Thế Miếu, thì các công thần bậc nhất cảu triều Nguyễn được thờ hai bên Tả Tùng tự và Hữu Tùng tự trong Hiển Lâm Các.

Cung Thất

Cung Thất là nơi ở của vua và hoàng tộc. Khu vực này là một bộ phận quan trọng của kinh thành Huế bao gồm các cung: Càn Thành – nơi ở của vua, cung Khôn Thái – nơi ở của hoàng hậu, cung Diên Thọ- dành cho mẹ vua, cung Trường Sinh dành cho bà nội của vua,… Đáng tiếc, khu vực quan trọng này đã bị phá hủy gần hết, hiện còn lại cung Diên Thọ và cung Trường Sinh là khá nguyên dạng.

Cung Diên Thọ được xây dựng từ năm 1804. Kiến trúc nổi bật ở cung Diên Thọ là hệ thống hành lang có mái che nối liền với nơi vua ở, để nhà vua có thể đi thăm mẹ.

 




Bài xem nhiều