Dân tộc Dao ở Việt Nam (P2 - Sinh hoạt kinh tế)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 85826

Kết quả hình ảnh cho trên nương rẫy người Dao

Nông nghiệp.

Dân tộc Dao cũng như nhiều dân tộc khác trên miền Bắc nước ta nguồn sống chính là nông nghiệp. Nhưng ở người Dao, hình thức kinh doanh chủ yếu lại là nương rẫy du canh. Ruộng bậc thang và ruộng nước chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.

Trên cả ba vùng cao, giữa và thấp đều có người Dao sinh sống nên tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên  của từng vùng mà họ  có những loại hình canh tác khác nhau:

        Nương rẫy vùng giữa: vùng này là địa bàn cư trú chủ yếu của người Dao, ở đây đồng bào làm nương du canh. Nguồn lương thực quan trọng là lúa nương và ngô. Nương rẫy chỉ làm được vài vụ là phải bỏ đi, khai phá nơi khác. Phương thức canh tác này rất lạc hậu, chặt phá bừa bãi, bao nhiêu rừng cây gỗ quý đã bị phá hủy.  Rừng ngày càng xơ xác, kiệt quệ, nguồn nước bị khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu, gây ra lũ lụt, hạn hán kéo dài ở nhiều nơi…

Dụng cụ sản xuất rất thô sơ, người ta chỉ cần cái rìu, con dao, cái gậy chọc lỗ, cái nạo, cái hái nhắt.

Kết quả hình ảnh cho Nương rẫy vùng cao núi đá

        Nương rẫy vùng cao núi đá: Người Dao ở vùng cao đã định canh định cư, hoặc luân canh định cư, trồng trọt trên các thửa nương hẹp có nhiều đá lởm chởm. Loại hình này được gọi là thổ canh hốc đá, chủ yếu để trồng ngô, ngoài ra cũng để trồng kê, lúa miến hoặc tam giác mạch. Dụng cụ sản xuất cũng giản đơn như làm nương rẫy ở vùng giữa. Đất đai ít được bón phân, chỉ có một số nơi như: Nguyên Bình (Cao Bằng, Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang) mới có tập quán dùng phân bón, nhưng đất đai lại bị xói mòn rất nhanh và thường xuyên bị thiếu nước nên năng suất cây trồng rất thấp. Người Dao ở những vùng này, hằng năm thường bị thiếu ăn vài ba tháng.

        Ruộng nương ở vùng thấp: Ở vùng này, người Dao thường sống trong các thung lũng hẹp hay ven các đường quốc lộ, bên cạnh người Tày, Nùng hoặc Việt.

Ruộng nước, ruộng bậc thang là loại hình canh tác chính ở vùng này, ngoài ra còn có nương bằng hay là nương định canh. Cách thức làm ruộng của người Dao cũng giống như các dân tộc khác ở xung quanh họ. Nông cụ có cày chìa vôi (nay đã có cày cải tiến), bừa ráng gỗ hay ráng sắt, dùng sức kéo của trâu bò. Đi đôi với loại hình canh tác này còn có hệ thống thủy lợi như: mương, phai, đập, cọn… Diện tích ruộng nước ở người Dao ngày càng được mở rộng vì đến nay có nhiều nhóm Dao hạ sơn định cư ở vùng thấp. Nương bằng hay nương định canh là loại nương có khả năng thâm canh. Nhưng loại nương này chưa nhiều mà chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây.

Kết quả hình ảnh cho Ruộng nương ở vùng thấp người Dao

Người ta bắt đầu phát rẫy từ tháng giêng âm lịch cho tới tháng tư. Rừng già rậm rạp có nhiều cây to và gần nguồn nước là những nơi làm nương rẫy tốt nhất. Tuy lúc ngả cày có vất vả nhưng đất ở đây vốn có nhiều mùn lại có thêm tro nên rất tốt. Dụng cụ để phát nương không ngoài con dao tư. Rẫy phát rồi để độ 20- 30 ngày mới đốt, nếu đốt quá sớm cây cối còn tươi, cháy không hết, sẽ được ít tro, tốn nhiều công dọn dẹp và về sau rẫy có nhiều cỏ. Đốt xong, khi nào tro than đã nguội, những cây, cành cháy chưa hết được thu dọn, chất thành đống để đốt lại hoặc để ra rìa nương. Sau đó, tro than được san đều trên mặt nương và bắt đầu chọc lỗ gieo hạt. Khi gieo hạt, người ta phân ra thành từng cặp: 1 nam, 1 nữ. Người nam đi trước dùng gậy chọc thành từng hàng, một lỗ cách nhau khoảng 30- 40 cm (nhưng còn tùy từng năm và chất đất ở mỗi rẫy tốt hay xấu mà khoảng cách có thay đổi chút ít); người nữ theo sau, ngang hông đeo 1 cái giỏ đựng được khoảng 2- 3 kg thóc, lần lượt bỏ vào mỗi lỗ từ 15- 20 hạt thóc, rồi lấy chân gạt đất lấp đi. Ngoài cách tra lỗ này, ngày nay người ta còn sử dụng rộng rãi phương pháp vãi hạt. Trước ngày vãi hạt, đất cần được chẩn bị chu đáo hơn rẫy tra lỗ. Lối trồng tỉa này có nhiều ưu điểm nhưng theo đó cũng có những nhược điểm nhất định. Nương ít cỏ, đất xốp giữ được ẩm lâu, lúa mọc đều, phát triển nhanh và đều cây. Nhưng vì đất xốp nên mới vãi hạt mà gặp mưa to sẽ làm cho đất và hạt giống bị trôi, đầu nương lúa mọc thưa, cuối nương hoặc ở chỗ nào đất trũng lúa lại mọc quá dày. Ngoài ra không thể làm cỏ bằng cào mà phải làm cỏ bằng tay, mỗi khi có mưa to gió lớn lúa dễ bị đổ, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Kết quả hình ảnh cho làm nương rẫy người Dao

Cùng một đám nương, nhiều nơi người ta đã ứng dụng cả hai lối tỉa hạt nói trên: năm thứ nhất vãi hạt, các năm sau thì tra lỗ. Làm như vậy, phát huy được ưu điểm, khắc phục những nhược điểm của cả hai lối trồng tỉa này. Dù loại nương nào, lối trồng tỉa nào thì một tháng sau khi gieo hạt, người ta cũng phải bắt tay vào làm cỏ, nếu rẫy nhiều cỏ phải làm tới 3- 4 lượt. Đến khi lúa trổ bông, nương được rào kín xung quanh. Lúa gần chín phải dựng chòi tại nương và có người canh giữ suốt ngày đêm. Tháng 9, tháng 10 lúa chín, mùa thu hoạch bắt đầu và cũng là kết thúc một chu kì sản xuất.

Từ lâu, người Dao đã làm quen với kỹ thuật trồng xen canh. Ít có đám nương (không kể loại nương nào) chỉ có một loại cây trồng mà bên cạnh cây trồng chính còn có các loại cây hoa màu phụ khác. Thường bên cạnh lúa có ngô hoặc đậu. Ngô trồng chung với lúa thì phải khác với trồng ngô riêng, làm sao cho ngô khỏi ảnh hưởng đến lúa: khoảng cách giữa các cây ngô từ 1- 1,5m số cây ngô ở mỗi hố cũng phải ít hơn. Nếu tỉa theo cách vãi hạt, người ta trộn ngô với thóc theo tỉ lệ 1 kg ngô/ 30- 40 kg thóc. Các loại đậu cũng được trồng xen với lúa hoặc ngô. Các loại như rau cải, dưa, bầu, bí,…. Đều là những cây trồng không thể thiếu trong các nương ngô hoặc lúa. Kê, khoai sọ, khoai lang cũng có thể trồng cùng với ngô, chỉ có sắn phải trồng riêng. Ngoài các cây lương thực, trên nương còn trồng chè, trẩu, lai, hồi, móc, bồ đề, trúc, vầu,… đó là những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Những cây thân củ có nhiều chất bột và giữ được lâu ngày như: khoai từ, khoai cẩm, khoai mằn cần, củ mỡ, các loại đao cũng được người Dao ưa trồng.

+ Trên địa bàn cư trú của người Dao vốn sẵn đồi cỏ, thung lũng và khe suối nên việc chăn nuôi khá phát triển. Những nơi đã định canh, định cư đồng bào chăn nuôi khá nhiều loaị gia súc và số lượng ngày càng tăng. Nhiều nơi, mỗi gia đình thường có hàng chục trâu bò. Hiện nay, đã có những nơi có đàn trâu hàng trăm con và còn có khả năng tăng hơn. Ở vùng cao và vùng giữa, nhiều hộ còn có ngựa và dê. Nuôi lợn là điểm nổi bật trong chăn nuôi người Dao, nhà nào cũng có lợn: nhà ít vài con, nhà nhiều hai ba chục con. Lợn được chia loại nhốt riêng và có khẩu phần riêng thích hợp với từng loại. Về gia cầm, gà chiếm tỉ lệ cao hơn cả, thứ mới đến vịt và ngỗng. Tuy kỹ thuật chăn nuôi chưa đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật cao, nhưng ở vùng Dao ít bị toi dịch nên đàn gia súc và gia cầm ít bị hao hụt. Ong mật cũng được người Dao nuôi nhiều, nhưng sản lượng mật chưa cao. Ngoài ra còn phải kể đến việc nuôi cá trong các thùng đất nhỏ ở gầm sàn nước, ở ao và đồng ruộng.

Trước đây chăn nuôi chỉ để ăn thịt, nay chăn nuôi đã có thịt để buôn bán, trao đổi. Nhưng ở nhiều nơi do phương tiện giao thông còn khó khăn, trở ngại nên khả năng này chưa khai thác được bao nhiêu.

Các nghề phụ của gia đình.

người Dao, nghề thủ công chưa phát triển và chỉ là nghề phụ của gia đình, mang tính chất tự nhiên theo mùa (nông nhàn). Sản phẩm thủ công chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày. Kỹ thuật sản xuất còn thô sơ, số lượng và chất lượng sản phẩm chưa cao vì phụ thuộc nhiều vào sự khéo léo của cá nhân.

+ Nghề làm vải (trồng bông, kéo sợi, dệt vải và nhuộm chàm) đều phổ biến ở mỗi nhóm Dao. Trừ một vài trường hợp đặc biệt như ở Lào CaiHà Giang, Bắc Kạn có một số nhóm Dao như Dao đỏ, Dao Lô gang chỉ trồng bông, làm sợi nhưng không dệt vải; đổi sợi lấy vải. Khung cửi của người Dao còn khá thô sơ. Dệt vải là công việc riêng của phụ nữ nhưng không thường xuyên, người ta chỉ tranh thủ làm vào những ngày mưa gió không đi nương hoặc những ngày nhàn rỗi.

Kết quả hình ảnh cho nhuộm chàm người Dao

Trước khi đem may mặc, vải đều được nhuộm chàm. Cách chế biếm chàm cũng khá phức tạp và nhuộm cũng rất công phu.

Cây chàm có 2 loại: một loại lá to và một loại lá nhỏ. Cây chàm lá nhỏ chất lượng màu tốt nên được người Dao ưa trồng hơn. Chàm trồng trên nương vào tháng 2, 3 âm lịch, đến tháng 6, 7 thì được thu hoạch. Cắt cây chàm về ngâm trong nước và phải qua một quá trình lắng lọc mới được cao chàm. Muốn có nước chàm để nhuộm, người ta hòa cao chàm vào nước đun với lá ngải có thêm một ít nước tro và rượu. khuấy đều dung dịch này đến khi thấy màu bắt vào tay là có thể nhuộm được. Trước khi nhuộm, vải được ngâm hoặc giặt bằng nước lã rồi mới nhấn vào nước chàm. Vải ngâm trong nước chàm khoảng nửa giờ thì vớt ra, vắt bớt nước, phơi nơi có ít ánh sáng gay gắt, làm nhiều lần như vậy, khi thấy màu vải vừa ý người dùng thì thôi.

Khâu vá, thêu thùa cũng là công việc riêng của người phụ nữ. Các em gái 9, 10 tuổi đã phải tập làm công việc này. Riêng thêu, phải luyện tập nhiều mới thành thạo, mới có khả năng thêu được những bộ quần áo cưới đẹp. Phụ nữ Dao rất chăm chỉ, họ tranh thủ mọi thời gian rỗi rãi để làm công việc này. Đồng bào Dao có cách thêu rất độc đáo, khác với cách thêu của nhiều dân tộc. Không thêu theo mẫu có sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ. Điều đó đã khó, song cách thêu lại càng khó hơn nhiều vì thêu ở mặt trái của vải, hình mẫu lại nổi lên ở mặt phải. Như vậy, chỉ cần nhầm lẫn một vài mũi kim cũng đủ làm cho hình mẫu sai lệch.

Kết quả hình ảnh cho nhuộm chàm người Dao

Cách in hoa văn trên vải chỉ thấy ở nhóm Dao Tiền. Công việc in hoa không chỉ người lớn mới biết làm mà các em nhỏ  đã có thể tự in hoa văn trên váy của mình. Vải được in bằng sáp ong và đem nhuộm chàm. Khi nào vải có màu vừa ý thì đme nhúng vào nước nóng để sáp chảy ra, được hoa văn màu xanh nhạt trông rất đẹp mắt.

+ Đan lát thường là công việc của đàn ông và cũng thường được tiến hành vào những lúc rảnh rỗi. Các đồ đựng bằng nan (tre, nứa, giang, mây) đều do đồng bào tự làm lấy. Đôi nơi cũng có những sản phẩm thừa đem đổi cho các dân tộc ở xung quanh để lấy các vật dụng khác.

+ Nghề rèn đã có từ lâu nhưng không phổ biến và không phải nhóm Dao nào cũng có. Người ta không chỉ rèn được các nông cụ như: cuốc, cào, lưỡi cày, các loại dao mà còn rèn được súng hỏa mai, súng kíp và còn đúc được hạt gang để làm đạn.

Người Dao kiêng không rèn trong nhà ở, phải làm trong một cái lán nhỏ bên cạnh nhà.

+ Nghề làm đồ trang sức bằng đồng hay bạc cũng đã có từ lâu trong người Dao, song là nghề gia truyền nên lại càng ít người biết hơn nghề rèn. Người thợ bạc có thể làm được: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, xà tích, các loại cúc và các đồ trang sức khác dính trên quần áo. Đồ trang sức thường được chạm nổi hoặc chạm chìm với nhiều mô típ rất khéo léo. Những sản phẩm này còn được các dân tộc khác ưa chuộng, thường đến mua hoặc đổi bằng hiện vật.

+ Người Dao cũng óc nghề làm giấy. giấy của đồng bào sản xuất khá tốt nên còn được các dân tộc khác như Tày, Nùng rất ưa chuộng. Nguyên liệu chính là rơm rạ, vỏ cây và các loại tre nứa,… giấy có ưu điểm là mỏng, mịn, tương đối trắng, ăn mực, không nhòe và giữ được lâu. Cho đến nay, người Dao còn giữ được những cuốn sách cúng, sách hát, gia phả đã ghi từ lâu cũng là nhờ có giấy này, giấy còn dùng làm pháo và hàng mã.

+ Săn bắn không chỉ là một nguồn cung cấp thêm thức ăn, cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn là biện pháp bảo vệ mùa màng rất có hiệu quả, đồng thời còn là một nguồn giải trí vô cùng hứng thú đối với người Dao.

Vũ khí săn có súng hỏa mai, súng kíp, nỏ tên thường, tên thuốc độc, nay còn có súng săn hiện đại.

Có hai hình thức săn: săn cá nhân và săn tập thể.

        Săn cá nhân: lối săn này thường được tiến hành vào các buổi chiều. Một người với khẩu súng, sục sạo hết rừng này tới rừng khác, may gặp con gà rừng, con sóc, con chồn, đôi khi cũng gặp cả lợn rừng và gấu….

Ngoài lối đi săn “cầu may” này, người ta còn đi săn đêm. Săn đêm cần có đèn soi, đèn đốt bằng dầu lửa, đèn pin. Săn đêm cần phải tiến hành vào những tuần tối trời.

        Săn tập thể là một hình thức săn hấp dẫn nhất và được nhiều người tham gia. Sau khi phát hiện dấu chân con thú ở một cánh rừng nào đó hay thấy có thú phá hoại một đám nương nào thì cuộc săn được tiến hành. Vũ khí có: súng, nỏ, giáo, mác, lưới săn và chó săn.

        Ngoài cách săn bắn, người Dao còn sử dụng rộng rãi nhiều loại bẫy. Nguyên lý cấu tạo các loại bẫy thường giống nhau nhưng rất phong phú về mặt loại hình: cắp, bẫy đè, bẫy nỏ hoặc súng, bẫy chọc,….

+ Lâm thổ sản là một nguồn lợi đáng kể. Vào những năm mùa màng bị thất bát, củ nâu, củ mấu, bột nhúc, củ mài, các thứ măng, rau rừng đã giúp đồng bào vượt qua những ngày thiếu thốn. Ngoài ra, đồng bào còn thu hái nấm hương, mộc nhĩ, cánh kiến và các loại hạt có dầu, khai thác gỗ, tre, nứa, song, mây các loại dược liệu quý cung cấp cho vùng đồng bằng và xuất khẩu.

Trước đây việc thu lượm lâm thổ sản hoàn toàn mang tính chất tự nhiên nên kết quả không được bao nhiêu mà tác dụng phá hoại và lãng phí lại rất lớn. Ngày nay, nhà nước đã khuyến khích và hướng dẫn việc khai thác, chế biến, bảo quản nên nguồn lợi ngày càng tăng, góp phần cải thiện đời sống đồng bào.

 

Thông tin tham khảo:

Du lịch các tỉnh khu vực phía Bắc

Sổ tay du lịch Sapa


 




Bài xem nhiều