Đặc trưng văn hóa người Dao- phần 7 (tôn giáo- tín ngưỡng)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 72782

Ở người Dao còn tồn tại rất nhiều tàn dư tôn giáo nguyên thủy, nhưng Tam giáo đã biểu hiện rất rõ rệt, đặc biệt là Đạo giáo có nhiều ảnh hưởng sâu sắc tới tôn giáo, tín ngưỡng của người Dao.

– Người Dao tin  rằng mọi vật đều có linh hồn gọi là Vần. Một khi thực thể bị chết (bị hủy diệt) thì hồn lìa khỏi xác và biến thành ma. Theo quan niệm này, bất kỳ ở đâu trên trái đất này đều có hồn và ma. Người ta chia ra làm 2 loại: ma lành và ma dữ. Ma lành ban phúc, ma dữ giáng họa. Tuy vậy, nếu ta không cẩn thận làm điều gì xúc phạm tới ma lành cũng có thể bị quở trách. Ma tổ tiên, Bàn Vương, ma đất, ma bêp, thần nông, Ngọc hoàng thượng đế, Tam thanh,… đều được xếp vào hàng ma lành.

Đồng bào Dao tin rằng, người ta có 12 hồn hoặc 3 hồn 7 vía. Trong số 12 hồn thì có một hồn chính quyết định sự sống của con người. Mỗi nhóm Dao lại có quan niệm riêng về hồn chính: Dao đỏ cho rằng, hồn chính ở đầu, ngay nơi xoáy tóc, ở vị trí cao nhất trong thân thể người ta, vì vậy rất kị người lạ xoa đầu trẻ nhỏ. Dao Tiền cho rằng hồn chính ở ngực vì khi tim ngừng đập, con người cũng sẽ chết. Còn Dao quần trắng lại cho rằng, hồn chính ở mắt vì khi người ta chết sẽ không nhìn thấy cái gì nữa.

Người Dao cho rằng, mỗi khi người ta đau ốm, bệnh hoạn là do không đủ số hồn ở trong thân thể. Sự hiếu hụt này là do ma quái bắt hoặc hồn đi chơi mải mê với phong cảnh đẹp mà quên đường về. Lúc ấy, người bệnh phải tìm đến thầy bói để tìm kiếm và thày cúng can thiệp hộ.

Do tin người ta có hồn nên cho rằng, khi người ta ngủ say, hồn sẽ tạm lìa khỏi xác để chu du sang thế giới âm nên mới nằm mộng thấy điều này, điều khác. Xuất phát từ quan niệm này mà người ta tin vào việc đoán mộng và tin mộng. Song, người ta lại cho rằng, thế giới linh hồn hoàn toàn đảo ngược với thế giới vật chất đang tồn tại nên khi xem mộng và đoán mộng phải coi ngược lại. Người Dao còn tin có sự linh cảm và điềm báo: máy mắt là điềm chẳng lành, máy chân là có việc phải đi xa, máy môi là sắp được ăn cỗ, nóng tai là có người đang mong,…

Ngoài ra, người Dao cũng tin rằng, có một số người có ma Ngo hải, tức là loại ma người sống có thể làm hại người và súc vật giống như ma gà, ma kỳ lân theo quan niệm của người Tày, Nùng. Và, họ cũng tin rằng có một số người có phép thuật thả những mũi nhọn bằng kim khí, bằng đá, bằng xương hoặc thả âm binh để làm hại người khác.  Ngoài ma thuật làm hại, họ còn tin có ma thuật phòng thủ hay ma thuật chữa bệnh: đeo bùa, thần chú trừ ma, uống nước thải. Ma thuật chỉ là một hình thức mê tín dị đoan, nó đã gây ra nhiều tác hại, làm mất đoàn kết trong nội bộ dân tộc, gây hiềm khích giữa các dân tộc, gây thù hằn giữa các gia đình và dòng họ, đôi khi còn gây ra những vụ xung đột đổ máu.

– Người Dao có khá nhiều tín ngưỡng và nghi lễ có quan hệ đến nông nghiệp. thường trong mỗi khâu sản xuất, người ta đều phải chọn ngày tốt, giờ tốt rất kỹ lưỡng. Các tiết trong 1 năm (24 tiết) đều phải kiêng.

Kiêng cữ cũng đã nhiều mà cúng bái cũng không phải ít. Một trong những lễ cúng không thể thiếu được là lễ cúng thóc giống. Trong khi làm lễ cúng thóc giống, nhất thiết không cho ai vào nhà, kể cả bà con họ hàng, sợ rằng hồn lúa sẽ theo người ấy đi mất. Sau khi cúng, trong vòng một ngày một đêm, những người trong gia đình cũng không được đến nhà người khác, sợ hồn lúa sẽ đi theo và ở lại luôn nhà ấy.

Lễ cúng nương, lễ cúng vào dịp lập thu, lễ cúng cơm mới, lễ cúng hồn lúa đều là những lễ cúng riêng ở từng gia đình.  Người Dao còn có những lễ cúng riêng của cả xóm như: lễ cầu mưa, lễ bản phương địa chủ (piền pùng ti chiêu)…

Đặc trưng văn hóa người Dao- phần 7 (tôn giáo- tín ngưỡng)

https://viettourist.vn/

Đối với chăn nuôi cúng phải thờ 2 vị thần và nhiều kiêng kị: không được khen gia súc to béo, ngược lại cũng không được chê là nhỏ và gầy, sợ thần sẽ quở trách.

Đối với săn bắn, khi bắt đầu làm súng người ta phải chọn ngày sát và đại sát. Săn được thú phải cúng thần rừng, thổ công, ma súng và thần săn bắn.

Các nghề thủ công như rèn, làm giấy, xẻ gỗ cũng phải cúng tổ sư.

-Người Dao cũng thờ cúng tổ tiên như nhiều dân tộc khác ở nước ta. Ma tổ tiên được thờ ở từng gia đình hoặc tại nhà của tộc trưởng. Tổ tiên thường được thờ tới 9 đời, nhưng trong việc thờ cúng hàng ngày, người ta chỉ cầu khấn đến ông tổ 3 đời. Bàn thờ tổ tiên được coi là nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đồng bào quan niệm rằng, không phải tổ tiên lúc nào cũng ngự trên bàn thờ mà nơi ở chủ yếu là Dương Châu đại điện, tổ tiên thường về thăm con cháu vào những ngày  mồng một và ngày rằm hàng tháng.

Thờ Bàn Vương ( chẩu đàng) cũng thuộc tục thờ cúng tổ tiên, chỉ khác Bàn Vương không phải tổ tiên gần của một vài gia đình hay của một vài dòng họ mà Bàn vương được quan niệm là thủy tổ của người Dao.

-Cũng như cúng Bàn vương, cấp sắc là một nghi lễ rất phổ biến của người Dao, tất cả những người đàn ông Dao phải trải qua lễ này. Nếu lúc chết chưa được cấp sắc thì sau khi chết con cháu vẫn phải làm. Cấp sắc là điều bắt buộc, không được cáp sắc thì cũng không được làm thầy cúng, có cấp sắc mới được các thần thánh công nhận và cấp âm binh. Người được cấp sắc, sau khi chết, hồn mới được về với tổ tiên ở Dương Châu. Có cấp sắc mới được nhận tên âm, mới có quyền thờ cúng tổ tiên. Có cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, nếu không già rồi vẫn bị coi là chưa trưởng thành và sau khi chết, hồn chỉ được về động Đào hoa. Chính vì quan niệm như vậy, nên dù có tốn kém bao nhiêu, gia đình nào có con trai đến tuổi (từ 10 tuổi trở lên) đều phải tổ chức lễ này.

https://viettourist.vn/ha-giang-thien-duong-tam-giac-mach-3n-p29.html

Qua vài nét vừa trình bày, chúng ta cũng có thể thấy rằng, người Dao vẫn còn quá tin vào ma quỷ, lệ tục cúng bái, kiêng cữ còn rất nặng nề. tất cả những điều đó đã có tác hại vô cùng to lớn đến cuộc sống của đồng bào. Đến nay, tuy đã giảm nhiều song nếu so với các mặt khác, tiến bộ vẫn còn chậm. Trong vấn đề chữa bệnh, đồng bào đã làm quen với thuốc Tây y nhưng vẫn còn cúng bái khá tốn kém. Ngoài ra, vẫn còn nhiều kiêng cữ ảnh hưởng không tốt tới sản xuất.

 

 

 




Bài xem nhiều