Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam- Phần một (Khái quát chung)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 97708

Dân tộc Thái có khoảng hơn 1,5 triệu người bao gồm nhiều ngành, mỗi ngành lại chia thành nhiều nhóm khác nhau:

Thái Đen: (Táy Đăm) cư trú chủ yếu ở tỉnh Sơn La, dãy Hoàng Liên Sơn và các huyện Điện Biên, Tuần Giaó tỉnh Lai Châu. Ở miền Trung các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những nhóm như Tày Thanh (Man Thanh), Tày Mười, Tày Khăng đã bị ảnh hưởng nhiều về văn hóa và nhân chủng của các cư dân địa phương và Lào.

Phụ nữ Thái Đen ở Tây Bắc.

Họ di cư đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XI và XII. Bộ phận Tày Thanh từ Mường Thanh (Điện Biên) qua Lào và Thanh Hóa tới Nghệ An, Hà Tĩnh cách đây khoảng 2, 3 trăm năm. Nhóm này gần gũi với nhóm Thái Yên Châu (Sơn La) và chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Lào. Bộ phận Tày Mười ban đầu là một phần cư dân xã Chiềng Pấc đi vào Thanh Hóa, Nghê An từ thời vua Lê Thái Tổ.

Thái Trắng: (Táy đón hay Táy Khao) cư trú chủ yếu ở tỉnh Lai Châu và các huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La). Ở Đà Bắc (Hà Sơn Bình (cũ)), có nhóm tự  nhận là Táy Đón, được gọi là Thổ. Ở vùng Văn Bàn, Dương Qùy (thuộc khu vực Hoàng Liên Sơn), có một số Thái Trắng đã chịu ảnh hưởng đậm của văn hóa Tày. Ở Sapa, Bắc Hà, những nhóm gốc Thái Trắng này nay đã Tày hóa. Một số nhóm Thái ở Thanh Hóa cũng gốc từ Thái Trắng.

Phụ nữ Thái Trắng duyên dáng trong lễ hội ném còn.

Thái Trắng là con cháu người Bạch Y  đã cư trú từ lâu ở Tây Bắc và Nam Vân Nam. Nhưng phải đợi đến đầu thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, họ mới chiếm được ưu thế ở dọc hữu ngạn sông Hồng và tỉnh Lai Châu. Đến thế kỷ thứ XIII, họ đã làm chủ Mường Lay. Ở vùng ven sông Hồng, họ đến sớm hơn người Thái Đen vì trong hành trình hành quân của mình, Lạng Trưởng đã gặp các tù trưởng Thái Trắng ở dọc đường. Bộ phận Thái Trắng sau đó phát triển thế lực sang cac s vùng Quỳnh Nhai, Mường Tè, tới Mường Tấc và một bộ phận xuống Đà Bắc cũng như Thanh Hóa.

Một ngành khác, gồm nhiều nhóm phức tạp cư trú chủ yếu ở Mộc Châu(Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) và các huyện miền núi là hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Nhóm Thái ở Mộc Châu từ Lào sang vào khoảng thế kỷ thứ XIV, chịu ảnh hưởng và văn hóa của cả hai ngành Thái Trắng và Thái Đen. Nhóm Thái Mai Châu ốc từ miền Bắc Hà (Hoàng Liên Sơn) chuyển về vào khoảng thế kỷ XIV, từ đó xống Mường Khoòng (Thanh Hóa) và một số ngược lên Mộc Châu (Sơn La), hòa vào nhóm Thái cũ đã ở đó. Người Thái Thanh Hóa lại tiếp tục được bổ sung bởi những luồng thiên di từ Lào qua hay Tây Bắc về, có quan hệ qua lại về huyết thống với văn hóa người Mường. Bộ phận Tày Mường hay Tày Chiềng là nhóm đông đảo nhất ở Nghệ An, cơ cấu không có sự thống nhất, gồm nhiều nhóm nhỏ hợp thành, có mặt muộn nhất trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh vào thế kỷ XIV.  Nhóm đến đầu tiên là nhóm lập nghiệp ở Mường Nọc (Quế Phong), sau lan rộng ra thành lập hai trung tâm khác: Châu Tiến và Khun Tinh.

Người Thái sử dụng các ngôn ngữ gốc Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Thái- Kađai. Nhóm này bao gồm có tiếng Thái của người Thái Lan, tiếng Lào của dân tộc Lào, tiếng Shan của Myanmar và tiếng Choang của người Trung Quốc. Tại Việt Nam, 8 tộc người thiểu số được xếp vào nhóm ngôn ngữ này chính là: Lào, Gíay, Bố Y, Lự, Nùng, Sán Chay, Thái, Tày.

Chữ dân tộc Thái ở Qùy Châu- Nghệ An.

Họ của người Thái tập trung chủ yếu vào những họ sau: Bạc, Bế, Bua, Bun, Cà,  Cầm, Chiểu, Chiêu, Đèo, Điều, Điêu, Hà, Hoàng, Khằm Leo, Lèo, Lềm, Lý, Lò, Lộc, Lự, Lường, Manh, Mè, Nam, Nông, Ngần, Ngưu, Nho, Nhật, Panh, Pha, Phia, Phìa, Quàng, Quảng, Sầm, Tạ, Tày, Tao, Tạo, Tòng, Lang, Vì, Xa, Xin.


 




Bài xem nhiều