Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Cạn, phía tây giáp Tuyên Quang và Vĩnh Phúc, phía đông giáp Lạng Sơn và Bắc Giang, phía nam giáp với Hà Nội. Thành phố Thái Nguyên chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nôị chừng 80km.
Thái Nguyên là địa phương có truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tỉnh cũng có nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Núi Cốc, chùa Hang, Hang Phượng Hoàng,… Tất cả đều là những điểm du lịch hấp dẫn.
- Chùa Hang
Chùa cách thành phố Thái Nguyên khoảng 2km, được xây dựng trong hang núi. Trong chùa có một tấm bia khắc vào đá có tên Tiên Lữ Đông Lâu. Nội dung văn bia ca ngợi chùa Hang là nơi có núi cao trăm trượng, cỏ cây chen lá, đá chen hoa, là nơi du khách thường xuyên lui tới viếng thăm. Bia đá khắc vào năm 1487 thời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức thứ 27). Tấm bia này là di vật lịch sử về một thời “vua sáng tôi hiền”.
Chùa Hang – Thái Nguyên
Núi chùa Hang là một địa danh được nhiều người biết đến ở Thái Nguyên bởi núi cao có dáng như một ngọn tháp bút, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Du khách đến đây vừa để lễ phật, vừa có dịp vãn cảnh.
2. Chùa Cao
Chùa còn được gọi la Đôi Cao ở xã Tân Hương, huyện Phổ Yên. Chùa được dựng vào thời Hậu Lê và đã qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa ngày nay được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 1992.
Trong khuôn viên của chùa cho đến ngày nay vẫn còn bảo tôn và lưu giữ được một số tháp cổ, bia cổ và cột đá. Trong đó, đáng chú ý là tấm bia dựng vào thế kỷ XVII. Điện Phật thờ nhiều tượng quý.
3. Đình Phương Độ
Đình nằm ở xã Xuân Phương, huyện phú Bình, cách thành phố Thái Nguyên 20km về phía đông nam. Đình Phương Độ (Tân Đình) là di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng, một trong những loại hình kiến trúc đặc trưng của Việt Nam. Đình được xây dựng thời Lê, trước đây đình nằm ở vị trí khác, đến năm 1901 mới được chuyển về vị trí như ngày nay.
Những nét đặc trưng của thời Lê vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Ngôi đình có kết cấu 3 gian, 2 chái; mái lợp ngói mũi hài, bốn góc mái với kết cấu gỗ cong vút; các cột bằng gỗ lim có nguồn gốc từ trong Thanh Hóa. Nhiều chi tiết gỗ được chạm trổ các bộ tú linh vô cùng khéo léo, công phu. Đình thờ thành Hoàng của làng Dương Tự Minh, một phò mã dưới thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Phía sau đình có một ngôi chùa, tạo nên một quần thể văn hóa tín ngưỡng địa phương.
Cảnh quan xung quanh đình cũng rất đẹp, với sông cầu làm án, cây đa cổ thụ tỏa bóng mát u tịch, thâm nghiêm. Xuân thu nhị kỳ, nhân dân quanh vùng Phương Độ tổ chức lễ hội vào rằm tháng giêng, rước kiệu thánh, khao vọng tế thần. Vào ngày mùng 10, tháng 10 lễ hội cũng tổ chức rước kiệu thánh, rước bánh dày, hoa quả và nhiều đồ tế lễ khác. Hội đình Phương Độ thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng.