Dân tộc Dao ở Việt Nam (P1 - Dân số và địa bàn cư trú)
DÂN SỐ VÀ ĐỊA BÀN CƯ TRÚ
Người Dao ở nước ta có khoảng trên 80 vạn người, sống xen ghép với nhiều dân tộc: Mèo, Thái, Tày, Mường, Việt. Phạm vi cư trú của người Dao rất rộng, rải khắp miền rừng núi, dọc theo đường biên giới Việt- Trung, Việt- Lào cho tới một số tỉnh trung du và ven biển Bắc Bộ.
Trên cả 3 vùng: vùng cao, vùng giữa và vùng thấp, đều có người Dao cư trú.
– Vùng cao có nhiều núi đá vôi thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh và vùng cao Tây Bắc. Vùng này núi non hiểm trở, độ cao trung bình từ 800m đến 1000m, đất latêrit núi có mùn, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao do mưa nhiều. Ở vành đai này có nhiều người Dao Đỏ, một bộ phận Dao tiền và một ít Dao Làn Tẻn.
– Vùng giữa là vùng có núi đá vôi xen giữa núi đất thuộc thượng du Bắc Bộ và Trung Bộ có độ cao khoảng 400- 600m. Vành đai này là đất latêrit núi, tương đối thấp, khí hậu và thực vật thuộc miền nhiệt đới. Vùng này là địa bàn sinh tụ chủ yếu của Dao Quần chẹt, Dao Lô gang, Dao tiền và Dao Thanh y.
– Vùng thấp, vùng chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng có độ cao khoảng 200m trở xuống. Trước đây vùng này hầu như chỉ có nhóm Dao Quần trắng, nhưng nay có thêm một số nhóm như: Dao Quần Chẹt, Dao tiền, Dao Làn Tẻn,…
Tên gọi, lai lịch và quá trình di cư.
Người Dao sinh sống trên đất nước ta đã từ lâu nhưng chỉ đến nay tên Dao mới được xác định. Cách đây không lâu, đồng bào còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Mán, Động, Trại, Dạo, Xá….. sự thiếu xác định đó không chỉ phổ biến trong dân gian à còn thấy ngay trên sách báo và các văn bản của nhà nước.
Người Dao tự gọi là Dìu miền hay Kiềm miền. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy: tên Mán là bắt nguồn từ chữ Man. Các tộc người sinh tụ ngoài địa bàn cư trú của Hán tộc từ lưu vực Trường Giang trở xuống phương Nam đều bị phong kiến Hán gọi là Man. Tên này chỉ là một tên phiếm định nhưng dần về sau đã hàm ý khinh miệt (lạc hậu, mọi rợ). Chúng ta đều biết người Dao chỉ là một tộc người trong nhiều tộc có tên là Man, do đó tên Man hay Mán không thể là tên gọi riêng của người Dao. Tên Động, Trại, Xá cũng đều là những tên gọi không đúng với tên tự gọi của người Dao và ít nhiều đều có ý khinh thị. Tên Dạo là gọi chệch từ tên Dao, cũng như người Mèo được gọi là Mẹo.
Còn tên tự nhận của người Dao là Kiềm miền hay Kim Mùn đều có nghĩa là người ở rừng núi (Kiềm, Kềm, Kìm = rừng; miền, mần, mùn= người). Tên này cũng là tên phiếm xưng. Ngoài tên Kiềm miền, người Dao còn có tên Dìu miền, phát âm theo tiếng Hán- Việt là Dao nhân tức là người Dao. Tên này được nhắc đến trong các câu chuyện truyền miệng hoặc trong các tài liệu cổ của người Dao: trong truyện quả bầu, trong Qủa sơn bảng văn (Bình hoàng hoán diệp), trong bản trường thi thất ngôn nói về cuộc di cư của người Dao Tiền và Dao Quần chẹt từ Quảng Đông vào Việt Nam hồi nhà Lý,…. Sử sách cổ Trung Quốc cũng nói tới tên Dao như: sách Tùy thư địa lý chí, sách Thuyết man, sách Quế Hải ngu hành chí, sách Lĩnh ngoại đại đáp,… như vậy, Dao là tên tự nhận của người Dao, nó gắn với lịch sử hình thành dân tộc Dao, nó gắn với lịch sử hình thành dân tộc Dao, nó được người Dao thừa nhận và nay đã là tên gọi chính thức của dân tộc này.
Về lai lịch của người Dao, đến nay trong nhân dân Dao vẫn còn lưu truyền rộng rãi câu chuyện Bàn Hồ. Truyện Bàn Hồ có nhiều yếu tố huyễn hoặc nhưng là câu chuyện giải thích nguồn gốc của người Dao. Gạt bỏ những chi tiết mơ hồ quái dị đi, ít ra chúng ta cũng thấy được sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di thực của nhóm này trên đất nước Trung Quốc xưa.
Những người Dao ở Việt Nam thì không nghi ngờ gì, họ vốn gốc ở Trung Quốc. Do sự đàn áp tàn khốc của phong kiến Hán, Ngô,… hoặc do chiến tranh liên mien, hạn hán, mất mùa liên tiếp nhiều năm,…. Tổ tiên người Dao phải di cư dần về miền núi phía Nam và một bộ phận nhỏ đã vào đất Việt Nam. Quá trình đó có thể diễn ra từ thời Tùy, Đường đến Minh, Thanh và cho tới đầu thế kỷ này vẫn còn tiếp tục. Người Dao vào Việt Nam qua nhiều thời kỳ, bằng nhiều đường và nhiều nhóm khác nhau. Qua gia phả của một số dòng họ người Dao, chúng ta có thể thấy sơ bộ như sau:
– Dao Quần trắng vào Việt Nam khoảng thế kỷ XIII, họ từ Phúc Kiến tới Quảng Yên ngược Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên rồi mới tới Tuyên Quang. Một bộ phận nhỏ của nhóm này lạ từ Tuyên Quang xuôi về Đoan Hùng rồi ngược sông Hồng lên Yên Bái và Lào Cai. Bộ phận này tên là Dao Họ.
– Dao Quần Chẹt và Dao Tiền, hiện có mặt ở Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang là từ Quảng Đông vào và phân tán tới các địa điểm trên. Sự kiện này được viết thành một cuốn sử thi với nhiều tình tiết khá lâm li, thống thiết nay vẫn lưu truyền trong nhân dân Dao. Hai nhóm này vào Việt Nam có thể là từ thế kỉ 15.
– Dao Thanh Y đến Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XVII, họ từ Quảng Đông vào Móng Cái qua Lục Ngạn (nay còn một bộ phận ở Lục Nam), tới sông Đuống rồi ngược lên Tuyên Quang. Một bộ phận khác lại lên Yên Bái và Lào Cai, về sau có tên là Dao Tiền.
– Dao Đỏ và Dao Tiền ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang là từ Quảng Đông và Quảng Tây đến, cũng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Riêng nhóm Dao Lô gang vào Việt Nam muộn hơn cả, khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỉ 20.
Như đã nói, do nhiều biến cố lịch sử đã làm cho khối Dao ở Trung Quốc phân tán thành nhiều nhóm nhỏ và rời khỏi cái nôi của mình là đất Châu Dương và Châu Kinh, tản mát đi các nơi để sinh sống; trong đó có 1 số nhóm đã vào Việt Nam. Trên đường di cư, các nhóm nhỏ đã tiếp thu thêm các yếu tố văn hóa của các tộc người khác, đồng thời những yếu tố văn hóa mới cũng được nảy sinh mà hình thành những tính cách riêng, những tên gọi khác nhau. Mặc dù vậy, cả nhóm vẫn luôn nhận rõ mối quan hệ giữa họ với nhau là có cùng một nguồn gốc, cùng một số phận lịch sử, đặc biệt là còn duy trì được tiếng nói chung.
Trải qua quá trình phát triền lịch sử của mình trên đất nước Việt Nam, các nhóm Dao vẫn còn trong tình trạng không ổn định vì phải sống du canh, du cư. Và, có lẽ nữa là họ vào Việt Nam qua nhiều đợt khác nhau, bằng các con đường và các nhóm khác nhau, do đó quá trình tập hợp, quá trình xích lại gần nhau để hình thanh dân tộc đã diễn ra rất chậm chạp. Điều này được chứng tỏ là những yếu tố văn hóa địa phương (thể hiên ở các nhóm) còn được bảo lưu rất đậm nét. Chính tình trạng này đã làm cho khó thấy cái chung, cái thống nhất của toàn khối Dao, và cũng làm cho việc xác định các nhóm Dao trở nên vô cùng phức tạp. Chỉ gần đây vấn đề này mới được làm sáng tỏ.
Để xác định được bao nhiêu nhóm Dao, chúng ta hãy xem xét một số tộc người trước đây cũng có tên gọi là Mán: Sán Dìu, Cao Lan, Sán Chỉ và Pà Thẻn.
– Người Sán Dìu trước đây có tên là Mán quần cộc, Mán váy xẻ, Trại đất. Họ tự gọi là Sán Déo Nhin; trong Qủa Sơn Bảng cũng có ghi tên “Sơn Dao Nhân”. Rất có thể từ xa xưa người Sán Dìu có quan hệ về nguồn gốc với người Dao. Nhưng nay họ không nhận là Dao. Do đó chúng ta không có lí do gì để xếp họ vào khối Dao.
– Trường hợp người Cao Lan và Sán Chỉ cũng tương tự. Trước đây họ cũng có tên là Mán, “Trại Cao”. Họ tự nhận là Sán chấy. Cũng như người Sán Dìu, người Cao Lan cũng có thể đã có quan hệ về nguồn gốc với người Dao. Nhưng nay không nhận là Dao, cho nên cũng không thể ghép họ vào khối Dao. Còn người Pà Thẻn cũng tương tự.
Những người Dao ở Việt Nam, đứng về mặt ngôn ngữ mà xét thì họ có thể chia thành hai nhóm lớn, ứng với hai phương ngữ. Thuộc phương ngữ thứ nhất có hai nhóm lớn: Dao Đại Bản và Dao Tiểu Bản. Thuộc phương ngữ thứ 2 cũng có 2 nhóm lớn: Dao Quần trắng và Dao Làn Tẻn. Nhưng đứng về mặt phong tục, tập quán về những đặc trưng của trang phục mà xét, 4 nhóm lớn lại bao gồm nhiều nhiều nhóm nhỏ cùng với nhiều tên gọi khác nhau. chúng ta có thể xem bảng phân loại sau đây:
Nhóm theo phương ngữ |
Nhóm lớn |
Nhóm nhỏ với các tên gọi khác nhau |
Nhóm I (Kiềm miền) |
A. Đại bản |
a, Đại bản, Dao Đỏ, Dao Coóc ngáng, Dao Sừng, Dao Dụ lạy (Quế Lâm) b, Dao Coóc mùn, Dao Lô gang (Ô gang, Lù gang), Dao Thanh phán (Thanh phán lớn+ Thanh phán con.) c, Dao Quần Chẹt, Dao Sơn Đầu, Dao Tam Đảo, Dao Nga hoàng, Dao Ba tiêu. |
B. Tiểu bản |
Dao tiền, Dao đen tiền |
|
Nhóm II (Kim mùn) |
C. Quần trắng |
a, Dao quần trắng b, Dao họ |
D. Làn Tẻn |
a, Dao Làn Tiẻn (Lam Đĩnh), Dao thanh y, Dao Tuyển. b, Dao áo dài, Dao Binh đầu, Dao Slan chi |
Tất cả các nhóm Dao đều nói chung một thứ tiếng là tiếng Dao, ngôn ngữ Dao rất gần với ngôn ngữ Mèo, hợp với ngôn ngữ Mèo thành nhóm ngôn ngữ Mèo- Dao. Hiện nay, việc xác định vị trí của ngôn ngữ Mèo- Dao trong hệ thống phân loại ngôn ngữ thế giới còn có ý kiến khác nhau. Có người xếp ngôn ngữ Mèo- Dao vào ngữ tộc Hán- Tạng, có người lại chủ trương ngôn ngữ Mèo- Dao thuộc ngữ hệ Nam Á.
Sự khác nhau về tiếng nói giữa các nhóm Dao ở Việt Nam không đáng kể, chỉ ở một số ít từ vị cơ bản và thanh điệu, còn cấu tạo ngữ pháp không có gì thay đổi.
Xem thêm: