Tìm hiểu về dân tộc Mông (Mèo) ở Việt Nam (P3)

30/03/2017 02:14 +07 - Lượt xem: 53520
Kết quả hình ảnh cho Người Mông

Những quan hệ xã hội trong chế độ thực dân phong kiến

Ngoài tính chất thực dân nửa phong kiến chung trong cả nước, xã hội người Mèo trước Cách mạng Tháng Tám còn giữ lại nhiều tàn dư cổ xưa.

Bọn thực dân phong kiến đã cải tạo bộ máy sẵn có trước kia  thành tổ chức chính quyền cơ sở, thống trị vùng Mèo. Bộ máy đó là: seo phải, mã phải coi một bản, trúng truở coi một thôn, thống lý hay tổng giáp coi một vùng. Giúp việc thống lý có phó thống lý nhưng thực chất họ coi một vùng riêng. Tại một số nơi, các chức vụ trong bộ máy xã tổng được gọi là phó, lý trưởng, chánh tổng. Tuy sống xen kẽ với các dân tộc anh em, ở một số nơi những đơn vị hành chính của người Mèo là những đơn vị riêng trực thuộc đại lý Pháp. Những người trong bộ máy thống trị đều thuộc tầng lớp trên hay những người đứng đầu dòng họ lớn có uy tín trong quần chúng.

Nhà nước thực dân nắm quyền sở hữu tối cao toàn bộ rừng núi mà bộ máy hành chính là kẻ đại diện quản lý, điều hành công việc địa  phương: thu thuế, bắt phu, đảm bảo trật tự trị an. Thuế ở vùng Mèo trước đây có nhiều loại: thuế bộ, thuế nương rẫy, thuế chợ, sinh tử, thuốc phiện,… Trong một năm mỗi người đàn ông phải đi phu 2, 3 lần, mỗi lần 15- 20 ngày. Lý dịch vùng Mèo cũng có một số đặc quyền. Tùy theo chức vụ, mỗi người có một số đất riêng lấy từ những gia đình tuyệt tự, di cư đi nơi khác hoặc bị coi là có tội… làm đất tiếp khách mà dân phải đảm nhiệm sản xuất, thu hoạch. Họ còn có quyền sử dụng một số người làm tạp dịch như liên lạc, chăn ngựa, đun nước,… gọi là tỷ sung và những người này thường được miễn phu. Khi đi đâu Lý dịch có dõng (thú dung) bảo vệ. Tỷ sung, dõng làm việc dưới sự điều khiển của các cai (xi tráng).

Ở những vùng còn du canh du cư, người khai phá có quyền chiếm hữu kể từ khi nương  đã được lựa chọn với những dấu hiệu thông báo cho mọi người biết. Quyền chiếm hữu đó được thực hiện khi đất còn dùng cho canh tác. Trường hợp di cư đi nơi khác, nếu đất tốt, thường được nhượng lại cho anh em họ hàng, có khi họ cũng nhận một số tiền nhất định. Ở những vùng này, sự phân hóa giai cấp nói chung chưa rõ ràng. Những người khá giả có nhiều lương thực, gia súc, dụng cụ gia đình thường do nương tốt, biết nghề thủ công giỏi, nhiều lao động. Một số khác là lý dịch đương chức, dân phải đến làm rẫy, phải biếu xén khi có việc, phụ nữ bỏ chồng đến ở tạm. Nhiều người tuy khá giả vẫn tham gia lao động tích cực, có quan hệ chặt chẽ với bà con làng xóm. Họ thuộc tầng lớp trên của xã hội.

Tại những nơi đã định canh định cư, quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai đã xuất hiện. Ở  một số vùng, quyền sở hữu đó được xác lập gắn với nghĩa vụ phu thuế. Việc bán đất đai đã xảy ra.  Sự tranh chấp đất đai cũng thường thấy. nhiều địa chủ chiếm từ 40- 50 % đất đai của địa phương. Họ phát canh thu tô, có người phát canh từ 100 đến 200 cân giống, nhưng chủ yếu địa chủ bóc lột nhân công bằng cách thuê hoặc dựa vào chức quyền tập hợp dân làm. Địa chủ, phú nông còn cho thuê trâu cày, cho vay lãi, độc quyền buôn thuốc phiện

Nông dân lao động ít đất đai làm ăn vất vả, nhiều khi phải đi làm thuê thêm để sinh sống. Chính vì vậy, quần chúng đã tích cực hưởng ứng những cuộc vận động của cách mạng dân tộc dân chủ, cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa do đảng lãnh đạo.

Kết quả hình ảnh cho Người Mông quan hệ dòng họ

Quan hệ thôn xã, dòng họ

1. Ở vùng Mèo, ngoài các tổ chức hành chính, những quan hệ thôn xã cổ truyền có vai trò quan trọng trong đời sống. Trong điều kiện sản xuất cá thể, du canh du cư hoặc cơ sở sản xuất không ổn định, những mối quan hệ đó được giữ lại một cách tự nhiên với nhiều mức độ khác nhau ở các vùng .

Đơn vị cư trú của người Mèo như làng ở người Kinh. Bản ở người Tày- Nùng- Thái gọi là giao. Mỗi giao có thể gồm từ một vài nhà cho đến hàng trăm nhà trên một địa điểm hoặc nhiều địa điểm. Đặc điểm chung của giao là:

Mỗi giao có phạm vi cư trú và đất đai làm ăn riêng.

Dân cư mỗi giao bao gồm nhiều họ và trong đó có một họ thường đông người hơn, nhưng người ta vẫn thấy có nhiều giao chỉ có một họ.

Mỗi giao có thổ thần chung và quy ước chung có liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ rừng và giúp đỡ lẫn nhau, hằng năm được kiểm điểm bàn bạc khi cúng thổ thần. Bữa ăn trong lễ cúng đó được gọi là nào sồng, biểu hiện sự cam kết thực hiện những quy ước chung đã có.

Mỗi giao có một hoặc hai người đứng đầu theo chế độ luân phiên, lo đôn đốc thực hiện các quy ước chung gọi là “Lùng thầu”.

Tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong các giao trong sản suất và đời sống được mọi người coi trọng, kể cả những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng khi truy lùng bọn cướp lấy lại của cải.

Dư luận xã hội và những phạt vạ nghiêm ngặt là biện pháp đảm bảo những quy ước chung được thực hiện.

Tổ chức xã hội có phạm vi rộng hơn giao gồm nhiều bản hay nhiều xã, thấy ở một vài nơi gọi là giồng. Giồng cũng có quy ước chung, cúng thổ thần, ăn tập thể khi cúng, tuy nhiên người đứng đầu không do dân cử mà do một chức dịch có chức vụ cao nhất ở địa phương đảm nhiệm. Có thể xưa kia giồng không khác giao mấy, cũng là quan hệ láng giềng và có vị trí quan trọng trong đời sống quần chúng, song những mối quan hệ giữa chúng với nhau là vấn đề càn tiếp tục làm sáng tỏ.

2. Người Mèo cũng quan niệm rằng các dòng họ của mình sinh ra từ một ông tổ, tuy ông tổ đó được gọi  không thống nhất. Các dòng họ phổ biến trong đồng bào là: Gìang, Thào, Lù, Vù, Sùng, Mã, Lùng, Hầu, Ly, Vàng, Tẩn, Tráng, Hản, Thèn, Cù,…. Nhiều tên họ các dòng họ là tên súc vật, các hiện tượng tự nhiên hoặc gắn với một quan niệm kiêng kị nhất định.

Mặc dù mỗi dòng họ người Mèo đều được giải thích bằng những quan niệm nhất định và có sự phân biệt với họ khác, song không phải những người cùng tên họ đều có những mối quan hệ thân thuộc. Đồng bào cho rằng, những người cùng dòng họ là những người anh em cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà của nhau mà không sợ tổ tiên trách cứ, luôn phải cưu mang nhau trong đời sống. Điều đó dựa trên những căn cứ như sau:

Mỗi họ có nghi lễ cúng tổ tiên: ma chay, cách chôn cất riêng. Đối với người Mèo, các lễ cúng ma cửa (xia mình), ma mụ (đá trung), ma lợn (bùa đáng), ma trâu (nhìu đáng) rất quan trọng mà sự khác nhau giữa các dòng họ là ở số lượng bát cúng, cách bày các bát, chỗ cúng và ăn, bài cúng,… Trong đám ma có sự phân biệt cách đặt xác trước khi đưa lên cáng, cách treo cáng, để xác ngàoi trời trước khi chôn. Cách đặt mả ở các họ cũng khác nhau.

Quan hệ hôn nhân giữa những người cùng họ bị cấm triệt để. Trường hợp không phải là anh em nhưng cùng tên họ, lấy nhau cũng không phổ biến. Đồng bào cho rằng họ phải có quan hệ hôn nhân với dòng họ khác thì làm ăn mới tốt, có trường hợp quan hệ hôn nhân chỉ với một họ.

Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa người cùng họ bằng lao động và tiền của được thực hiện đầy đủ khi một nhà nào đó có việc ma chay, cưới xin, dựng nhà… Dưới chế độ cũ, cả họ góp tiền cho một người theo đuổi vụ kiện hoặc tranh chức. Người ta ít khi bán đất cho người họ khác và luôn theo dõi số phận những cô gái đã đi làm dâu. Trong đám ma, chỉ những người cùng họ mới khiêng quan tài.

Mỗi họ có một trưởng họ đảm nhiệm các công việc chung. Trưởng họ thường là người có khả năng, không kể tuổi tác, ngôi thứ và được mọi người tôn trọng, ủng hộ và nghe lời. Họ là linh hồn của dòng họ.
Xem thêm:

 




Bài xem nhiều