Tìm hiểu về dân tộc Mông (Mèo) ở Việt Nam (P1)
Dân tộc Mông, dân tộc thiểu số đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sống chủ yếu trên những vùng núi có độ cao từ 1.000 m trở lên. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn là một phần trong sự thống nhất của khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú văn hoá các dân tộc Việt Nam
Sự phân bố dân cư và lịch sử.
Người Mèo là một trong bảy dân tộc thiểu số tương đối đông ở miền Bắc nước ta, có 1.068.189 người (Theo thống kê năm 2009), sống ở vùng cao thuộc các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Tây. Trong các tỉnh người Mèo cư trú xen kẽ với nhiều dân tộc anh em khác, nhưng không giống với nhiều dân tộc như Dao, Lô Lô, Pu Péo…Họ ở tập trung thành từng vùng rõ rệt, trong đó người Mèo chiếm tỉ lệ dân số cao so với các dân tộc anh em cùng chung sống. Những khu vực tập trung đông người Mèo ở miền Bắc nước ta là: cao nguyên Đồng Văn, Hoàng Su Phì – Bắc Hà – Mường Khương, Mù Cang Chải – Trạm Tấu – Bắc Yên, Sa Pa – Phong Thổ – Sìn Hồ – Tủa Chùa, Điện Biên và các khu vực tiếp giáp của các huyện Thuận Châu và Tuần Giáo. Những vùng cư trú của người Mèo không gắn liền với nhau thành một dải, mà thường bị ngăn cách bởi nhiều khu vực cư trú của các dân tộc, nhưng trong quan hệ dòng họ và hôn nhân, nhân dân các vùng nhất là các vùng tiếp giáp nhau còn những mối liên hệ nhất định.
Các vùng cư trú của đồng bào Mèo thường là những sườn núi có độ dốc cao trung bình từ 800m đến 1.500m – 1.700m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, vách đá dựng đứng trên những thung lũng dạng hẻm vực. Ở Tây Bắc địa hình cao hơn và sự chia cắt theo chiều đứng mạnh hơn so với Đông Bắc.
Ở độ cao từ 800m – 1.700m, khí hậu vùng Mèo nằm trong vành đai khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 15 – 20 độ C. Lượng mưa hàng năm từ 2.000 – 3.000 milimét, nhưng ở những nơi khuất gió, lượng mưa chỉ độ 700 milimét. Đặc điểm độ mưa là: một mùa mưa, một mùa khô mà trong mùa khô lượng mưa hàng tháng chỉ vài chục milimét hoặc có khi không mưa, nên thường thiếu nước.
Đất ở vùng Mèo nằm trên khu đất latêric có mùn. Trên vành đai này ở những nơi rừng ít bị tàn phá thì thực vật còn nhiều, các cây rụng lá tăng lên, do đó tỉ lệ mùn đạt từ 5 – 8%. Vì có nhiều mùn nên đất màu xám, ở phía dưới đất màu nâu.
Kiểu rừng rậm cận nhiệt đới, ẩm ướt thường thấy trên các núi cao Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên…Song rừng đã bị tàn phá nhiều, thoái hóa thành rừng thứ sinh hoặc xavan và mỗi vùng có đặc điểm riêng. Tuy nhiên vẫn chưa hết những cánh rừng nhiều thứ gỗ quí, nhiều thú ăn thịt và các loài ăn cỏ…
Với tinh thần lao động cần cù và sáng tạo người Mèo biến nhiều vùng cao miền Bắc nước ta thành nơi có thể sinh sống ngày càng giàu đẹp, thành quê hương thân yêu của mình. Đồng bào thường nói:
Cá ở dưới nước
Chim bay trên trời,
Chúng ta sống ở vùng cao.
Và con chim có tổ,
Người Mèo ta cũng có quê,
Quê ta là Mèo Vạc.
Đồng bào ở cao nguyên Đồng Văn còn cho rằng trên đỉnh núi Mèo Vạc có giếng thần và có đôi chim chuyên nhặt lá cây để nước giếng trong sạch. Người ta muốn uống nước giếng thần để khi ốm đau bệnh chóng khỏi, khi chết hồn được về với tổ tiên. Vì vậy trước đây những người có tuổi đều mong muốn đến thăm Mèo Vạc – “nơi quê cha đất tổ” và “ được uống nước giếng thần” . Lòng yêu quê hương xứ sở; trên cơ sở đó nảy nở lòng yêu nước Việt Nam anh hùng của người Mèo. Lòng yêu nước đó ngày càng được củng cố trong quá trình sát cánh cùng các dân tôc anh em đấu tranh bảo vệ đất nước và xây dưng cuộc sống mới.
Đại bộ phận người Mèo nước ta gọi là Mống (sau này gọi là Mông), một nhóm người khác gọi là Ná Miảo. Mống cũng là tên tự gọi người Mèo ở Lào, Thái Lan và ở Xuyên, Kiềm, Diên Nam Trung Quốc. Ngoài ý nghĩa chỉ cộng đồng tộc người, Mống còn là từ gọi dòng họ.
Mèo là tên gọi có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Tộc danh Mèo theo âm Hán – Việt là Miêu, theo một số nhà nghiên cứu là tên dùng để gọi những người đã sớm biết nghề trồng lúa ở vùng hồ Bành Lãi ( Tỉnh Giang Châu) và hồ Động Đình (Tỉnh Hồ Nam) Trung Quốc ngày nay, ngày nay đã trở thành tên gọi chính thức.
Dựa vào một số đặc điểm dân tộc học, có thể phân người Mèo tự gọi là Mống ở nước ta thành các nhóm: Mông trắng, Mông hoa, Mông xanh, Mông đen.
Người Mèo được coi là con cháu của một trong những cư dân bản địa cổ ở Nam Trung Quốc. Sự gần gũi giữa tiếng Mèo và tiếng Dao được nhiều người giải thích bằng nguồn gốc chung của hai dân tộc này trong thời cổ đại. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, người Mèo và người Dao bắt đầu tách thành những cộng đồng dân tộc riêng. Từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XVI, người Mèo phải thường xuyên đi về phía Nam để tránh sự áp bức bóc lột của phong kiến. Trong các thế kỷ đó, người Mèo ở Quí Châu tương đối đông. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX dưới sự thống trị của nhà Mãn Thanh, chế độ thổ ty cha truyền con nối có từ thời Minh đã được thay bằng chế độ bổ nhiệm (hơn nữa chỉ bổ nhiệm người Mãn và người Hán), làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các dân tộc khác (trong đó có người Mèo) và hai dân tộc này. Mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội được thể hiện rõ trong các phong trào nổi dậy của quần chúng; đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, người Mèo đã tham gia khá đông. Dưới thời Quốc Dân Đảng, người Mèo cũng không tránh khỏi bị áp bức bóc lột nặng nề và phải đấu tranh không ngừng.
Từ Tây Nam Trung Quốc, người Mèo đã di cư đến Việt Nam trong những thời gian và nhiều đợt khác nhau. Nguyên nhân của các cuộc di cư như đã nói là sự mong muốn thoát khỏi tình trạng áp bức bóc lột của bọn địa chủ phong kiến Mãn – Hán, muốn thoát khỏi sư tàn sát sau những cuộc phản kháng, muốn có nơi sinh sống tốt hơn. Những đợt di cư đầu tiên của người Mèo cách đây gần 400 năm đến các vùng biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Sau đó, các luồng di cư lớn vào khoảng 300 năm và gần 200 năm trước đây. Hầu hết người Mèo nước ta còn nhớ là họ đã từ Quí Châu đến Việt Nam.
Lịch sử thiên di của người Mèo cũng là lịch sử đấu tranh không ngừng chống phong kiến áp bức dân tộc. Đến Việt Nam họ mong muốn có cuộc sống ổn định và ấm no hơn. Trong đồng bào có lưu truyền rằng: Việt Nam là nơi có nhiều đất đai màu mỡ và dễ làm ăn, nơi có quả bí to như cái vạc mà lợn rừng có thể khoét lỗ chui vào đó đẻ con, nó vừa là ổ, vừa là thức ăn cho lợn; nơi trồng cây lương thực gốc có củ, thân có bắp, ngọn trổ lúa. Trước khi đồng bào đến những vùng hiện nay, ở đó đã có người sinh sống, nhưng rất thưa thớt, rừng rậm còn nhiều, đất mới khai thác, mùa màng thường tốt. Dần dần đồng bào đã có những đám nương, ruộng bậc thang mà mình cần.
Nhưng ở đây họ cũng không thoát khỏi ách bóc lột, nhất là từ lúc thưc dân Pháp xâm lược đặt ách thống trị. Bởi vậy, nhiều cuộc đấu tranh của người Mèo đã nổ ra:
– Cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp xâm nhập Bắc Hà do hai anh em Dương Chính Hồng (Giàng Chẩn Hùng) và Dương Chính Vinh (Giàng Chẩn Dùng) lãnh đạo (1886 – 1897).
– Cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của người Mèo và Dao do Đào Chính Lục (Thào Chểnh Lù) và Đặng Phúc Thành đứng đầu ở Mù Cang Chải, Than Uyên, Văn Chấn tỉnh Yên Bái (1889 – 1897).
– Cuộc đấu tranh chống phu, thuế của đồng bào Mèo 2 tỉnh Cao Lạng (1904).
– Cuộc đấu tranh của đồng bào Mèo ở cao nguyên Đồng Văn tỉnh Hà Giang do Sùng Mí Chiảng lãnh đạo (1911 – 1912).
– Cuộc đấu tranh của đồng bào Mèo Lai Châu, Điện Biên, Sơn La do Pa Chay lãnh đạo (1918 – 1922).
Đặc điểm nổi bật của các cuộc đấu tranh đều là đấu tranh vũ trang với tinh thần dân tộc cao với mục đích đấu tranh cụ thể: “không đi phu, không nộp thuế, tự do chuyên chở muối và thuốc phiện” (1911 – 1912), “Quyết tâm tiêu diệt đồn Bắc Hà” (1886 – 1897”. Vì thế đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân bao gồm cả già trẻ, gái trai tiến hành đấu tranh vũ trang gây cho địch nhiều tổn thất. Bọn thực dân Pháp đã phải huy động những lực lượng lớn để tiến hành càn quét phá hoại mùa màng lương thực, vừa đàn áp, vừa mua chuộc lôi kéo quần chúng. Người Mèo đã chiến đấu ngoan cường, thực hiện vườn không nhà trống, hy sinh tất cả; nhưng cuối cùng họ đều thất bại vì sự lạc hậu về tổ chức, lãnh đạo, chưa biết đoàn kết các dân tộc anh em. Tuy vậy, bọn thực dân Pháp đã không dập tắt được tinh thần phản kháng của đồng bào. Tinh thần đó được phát huy mạnh mẽ khi có sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân.