Tìm hiểu về dân tộc Mông (Mèo) ở Việt Nam (P5)

30/03/2017 02:14 +07 - Lượt xem: 29390
Một số nghi lễ trong gia đình và tín ngưỡng của người Mông:

Kết quả hình ảnh cho Một số nghi lễ trong gia đình của người Mông:

1, Sinh đẻ.

Do xây dựng gia đình sớm, người phụ nữ Mèo chóng có con và đó cũng là điều mong ước của cả họ. Người Mèo đẻ ngồi. Việc đỡ đẻ do những người thân và làng xóm giúp. Đẻ con trai nhau chôn ở chân cột chính của nhà, là con gái chôn ở dưới gầm giường. Vừa đẻ ra, đứa bé được tắm rửa ngay. Sản phụ ăn ngày ba bữa, thức ăn là thịt gà, thịt lợn nạc hay trứng nấu với hạt tiêu.

Đến ngày thứ ba thì làm lễ cúng đặt tên theo vòng vía cho con. Tùy từng nơi lễ này được tổ chức to hay nhỏ, mổ lợn hay bò, hoặc chỉ mổ gà. Nếu là con trai tên được gọi thường ngày đến khi có vợ mới đặt tên khác. Nhà có người ở cữ thường phải “cấm bang”, người phụ nữ đi lại chỉ qua cửa phụ và trong một tháng không được đến nhà người khác họ.

Xưa kia khó đẻ người ta thường chỉ cúng, vì cho rằng lúc có chửa đã không kiêng kị tốt. Người phụ nữ có chửa phải kiêng không đi xa nhà, không qua suối, không bước qua dây buộc ngựa, không ăn thức ăn mà dòng họ vẫn kiêng. Nạn hữu sinh vô dưỡng hiếm con xưa kia rất phổ biến nên đồng bào thường hay làm lễ cầu tự hoặc thờ mụ.

Lễ cầu tự (Tủa siaò): Người Mèo lấy nhau 5-6 năm không có con hoặc con hay ốm đau thường làm lễ cầu tự vào ngày lành tháng tốt. Sáng hôm làm lễ, vợ chồng và các con đi ra ngoài cách  nhà ở 1, 2 cây số dựng lều trên đường đi, trong lều bắc 2 ghế ngồi dọc theo hai bên đường). Ở đó họ cầu khấn có con hoặc mong con khỏe mạnh, rồi đi vào bụi rậm ngồi chờ. Khi có người qua đường, họ ra đón mời về mổ gà, lợn làm lễ cúng. Người qua đường buộc chỉ hay sợi lanh vào cổ tay vợ chồng chủ gia đình hay các trẻ nhỏ, chúc như họ mong muốn. Sau này nếu có con hoặc con khỏe mạnh thì người qua đường được coi là bố mẹ những trẻ, được trọng vọng.

Thờ mụ (Đá trung): tất cả những người phụ nữ đã có con đều thờ mụ. Mụ theo quan niệm của đồng bào có liên quan đến chăn nuôi và việc chăm sóc trẻ em. Cúng mụ phải mổ lợn, cách cúng giống như cúng ma cửa mà cả họ vẫn làm. Ở một số nơi người đàn bà có thể tự cúng lấy nhưng nói chung, việc cúng do một người biết cúng trong họ đảm nhiệm. Tùy từng họ, lễ cúng tiến hành trong buồng hay giữa nhà. Cúng xong lấy một quả bầu cán cong khoét miệng gáo, lấy lá cây và hàm lợn để ở chỗ kín trong buồng kiêng 3 ngày không quét nhà.

2, Cưới.

Xưa kia, người con trai phải đến tận nhà người con gái nói rằng: mong gia đình để cô con gái đến giữ nhà cho tôi. Ba hôm sau gia đình nhà trai mổ gà “xem xương” rồi cho hai ông mối đi hỏi. Ông mối thueoengf mang theo ô đen có khăn buộc giữa, đến nhà gái treo ở cửa và hát bài mở cửa. Vào đến nhà, hai ông mối treo ô ở vách bàn thờ, lấy thuốc mời chủ nhà. Nếu gia đình đồng ý sẽ để ghế dọc nhà rót hai chén rượu mời ông mối, nếu không thì ghế đặt ngang nhà. Khi được gia đình đồng ý, chủ nhà cho ông mối đem rượu thịt đến làm lễ hỏi chính thức, bàn việc cưới. Trong lễ này, đại diện cho nhà trai và nhà gái bỏ tiền ra bàn rồi chia làm bốn phần cho 4 người có mặt ở đó làm tin. Thường chủ nhà đưa ra 4 đồng thì ông mối đưa ra 8 đồng.

Người Mèo có tục làm lễ “buộc dâu” bằng một sợi chỉ vào cổ tay do nhà trai đem đến một cách long trọng trước mặt nhiều người trước khi làm lễ cưới.

Kết quả hình ảnh cho đám cưới của người Mông

Đám cưới tổ chức long trọng vào ngày tốt. Nhà trai phải đem đến nhà gái đầy đủ tiền và đồ thách cưới. Đoàn đón dâu thường 9, 13, 15 người trong đó có một đôi vợ chồng, hai ông mối, những người khiêng đồ, một hay hai phù rể. Trước khi cô dâu về nhà chồng, những ngừoi đại diện hai gia đình trao đổi ý kiến với nhau thêm về sự làm ăn của con em mình trong tương lai. Ở một số nơi trong đám cưới có sự chứng kiến và dặn dò của một chức dịch có chức vụ cao nhất địa phương. Anh trai hay cậu dắt tay cô dâu ra cửa trao cho những người đón dâu. Vào cửa nhà trai, bố chồng lấy gà làm lễ “nhập môn”, nếu trước đó chưa làm, có ông bà là hai vợ chồng từ trong nhà ra cửa đón dâu. Cô dâu phải lướt qua ba cái ghế ở giữa nhà, đến chỗ nghỉ của mình. Vợ chồng đi đón dâu phải trao lại cho nhà trai của hồi môn của cô dâu và nói lại những ý kiến mà nhà gái dặn. Sau 3 ngày, cô dâu làm lễ lại mặt với chú rể, gặp người nhà và anh em họ hàng gần, rồi về ở hẳn nhà chồng với một số của hồi môn.

3, Đám ma.

Khi có người chết, người ta mời người đến hát bài mở đường (khuố kê), mặc quần áo, rồi đưa lên “cáng” treo trước bàn thờ hoặc để trên ghế dài đặt ngang cửa ra vào. Ở một số họ, tuy xác người chết được để vào quan tài ngay nhưng có thể mở quan tài dễ dàng để xem mặt người chết. Khi hát mở đường, lúc đọc đến sự tích gà dẫn đường người chết về với tổ tiên, người ta mang một con gà đã chết để nguyên long moi lòng ra ngoài, hay đôi cánh gà hoặc con gà còn sống đặt trong âu bột ngô đồ cúng với ô giấy và cũng để ở phía đầu người chết. Ở dưới “cáng” phía đầu người chết còn để rượu, bột ngô đồ làm đồ cúng hàng ngày.

Trong đám ma người Mèo thường dùng khèn trống, họ thổi khác bài: ăn buổi chiều, lên ngựa, ăn buổi sáng, ăn trưa, nhận gia súc,… bày tỏ nỗi luyến tiếc của người sống đối với người chết. Những lễ viếng được người thổi khèn riêng được coi là long trọng. Người đến viếng thường mang đến giấy bản, ngô, rượu,…; người thân mang cả chăn lanh, lợn. Khi mổ súc vật 4 chân, người ta đem sợi lanh buộc từ con vật đến tay người chết. Trong đám ma người Mèo không thiếu được lợn, trâu hay bò làm vật cúng.

Ở một số họ có tục đưa xác ra ngoài trời để trên một sàn nhỏ có hoặc không có mái che một thời gian. Tại đó, còn phải giết bò cúng và ăn uống xong mới chôn cất. Trường hợp không đưa xác vào qua tài ngay, người ta cho quan tài xuồng huyệt trước rồi mới đưa xác xuống sau. Trước khi đậy nắp quan tài, quần áo người chết được cắt nhiều chỗ và cạnh xác được đặt những sợi lanh thái nhỏ trộn cơm, ở một vài nơi còn có con gà “đưa đường” để phía đầu quan tài.

Xưa kia, đám ma kéo dài 5- 7 ngày, nay chỉ để 2- 3 ngày. Chôn cất xong, hàng xóm thường đến chơi gia chủ vài ba buổi tối và gia chủ cắm cành ở đường, nếu người chết là nam: 9 cành; nữ: 7 cành để hồn người chết không biết đường quay về làm hại gia đình. Sáng thứ ba, người ta mang cơm nước ra mả, lấy lá che mả, sau đó mang cơm ra tiếp hai bữa nữa. Hôm cuối cùng, người ta nhặt một hòn đá ở mả về để gần bếp coi như chỗ cơm người chết đặt tại đó.

Đối vời người quá cố, người Mèo còn một số nghi lễ sau:

Uô sú: là lễ cúng sau khi mai táng 12 ngày. Đám này cúng trong một ngày nhưng cũng mổ lợn, gà, thổi khèn và đánh trống. Những người đến dự chỉ là anh em gần, những người phục vụ đám hôm trước.

Uô pli: là lễ cúng đưa hồm người chết về với tổ tiên sau chôn cất một hay vài năm. Nếu trước đây trong đám chôn cất đã mổ trâu hay bò thì đám này chỉ cần mổ lợn.

Nhìu đáng (ma trâu): trong đời một người, mỗi người đàn ông chỉ phải cúng báo hiếu bố mẹ một lần. Người Mèo thường nói “bố mẹ lấy vợ cho tôi, tôi cho cha mẹ trâu bò”. Vì vậy người ta thường lo làm xong lễ này. Có trường hợp anh em có thể chung nhau làm cùng một lễ, nhưng nhiều khi mỗi người phải có lễ riêng. Vật cúng họ có thể dùng thủ trâu, bò nhưng nhiều họ phải mổ trâu bò. Riêng ở người Mèo xanh, trâu bò dùng cho lễ cúng phải khỏe mạnh, không đui què, lở loét,… so với đám chôn cất thì làm ma trâu có vẻ phức tạp hơn: tùy từng họ cúng ở nhà hay ngoài trời, cúng theo số lượng bát và sự sắp xếp bát nhất định, người cúng phải hiểu lai lịch dòng họ. Đám ma trâu làm trong một đêm 2 ngày, và cũng khá tốn kém.

4, Làm nhà mới, cúng bái trong gia đình.

Trong người Mèo, việc chọn đất làm nhà mới rất được coi trọng. Cách chọn đất giống như ở người Dao: người ta đào hố sâu, tròn có đường kính độ một gang tay, để vào đó những hạt gạo tượng trưng cho người và gia súc rồi khấn, lấy bát úp miệng hố. Đến sáng hôm sau nếu những hạt gạo vẫn ở nguyên một chỗ, ở đó có thể làm nhà được. Có nơi, việc chọn đất làm nhà lại phụ thuộc vào thầy địa lý. Hướng nhà thường là hướng đông- tây, ngọn đòn và cửa chính quay về phía đông theo quan niệm, để làm ăn tốt. Khi dựng cột, những cột phụ được dựng trước, sau đó mới đến cột chính. Làm xong nhà phải mổ lợn cúng cột giữa và ma nhà, chủ nhà là người đốt lửa đầu tiên ở bếp.

Kết quả hình ảnh cho Lễ cầu tự của người Mông

Ngoài tổ tiên, rất nhiều ma được cúng trong nhà.

Xử cá được coi là ma nhà được thờ ở giữa vách gian chính đối diện với chính cửa nhà. Bàn thờ là tờ giấy bản có dán lông gà và người ta thường thấy nó vào 30 tháng chạp khi ăn tết, cúng ma vào dịp tết, ăn cơm mới lúc gia đình có người ốm đau, khi sản xuất và chăn nuôi không tốt, cần trừ tà và cần có sự phù hộ.

Xia minh, ma cửa gọi theo tiếng Quan Hỏa, cũng là ma được coi là có liên quan đến sức khỏe con người, bảo vệ tài sản, gia súc. Ma cửa cúng vào dịp tết, khi có người ốm đau, chăn nuôi không tốt. Lễ cúng cần gà hay lợn, và trong dịp cúng lớn thường thay miếng vải đỏ ở cửa. Trường hợp mổ lợn thì phải cúng theo các chung của cả họ, nhưng nói chung mổ lợn trong nhà, thịt chỉ ăn một bữa, khi cúng không nói tiếng dân tộc khác.

Bùa đáng hay bón tù dăng (ma lợn) thờ ở cột chính của nhà, cột tượng trưng cho sự hưng thịnh của gia đình cũng là nơi thờ phụng cha mẹ tổ tiên. Ma lợn chỉ có chủ gia đình thờ, cúng. Cúng cột chính của nhà theo quan niệm còn để tạ ơn những người xưa kia đã giúp người Mèo qua hoạn nạn, để tìm chữ đã mất… vật cúng là lợn nái đã đẻ và cúng theo cách cúng chung của cả họ. Trong người Mèo hoa, cúng “bùa đáng” được đặc biệt coi trọng, vì vậy mỗi nhà đều nuôi 1, 2 con lợn nái. Sau khi cúng, hàm lợn treo ở cột chính. Mỗi người trong đời mình cúng cột chính 1, 2 lần.

Người ta thường khấn, thắp hương đốt vàng mã cúng  Hú sinh (ma bếp), Khó trù (ma lò) vào dịp tết hoặc khi phải đi xa để cầu may. Người ta tin rằng, chăn nuôi tốt một phần là do ma bếp phù hộ. Kiêng không gác chân, gõ vào bếp lò, khi lợn chửa không xúc tro ở bếp ra.

Ở những gia đình có người biết nghề thuốc chữa bệnh, còn lập bàn thờ Dìu vàng (Được vương). Những gia đình có người làm nghề cúng, bói còn thờ ma thầy cúng. Người làm nghề cúng bói trong các thôn xóm khá đông, trong đó có cả nữ. Thầy cúng có nhiều loại, có uy tín trong quần chúng. Mỗi lần cúng đều phải có gà, lợn và thuốc phiện, nên có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống rõ rệt.

5, Những tín ngưỡng khác và tôn giáo chính thống thế giới.

Quan niệm vạn vật có hồn (pli), cũng phổ biến trong người Mèo. Người và những con vật chết, hồn biến thành ma (đã hay nềnh), ma lành hay ma ác. Con người có 3 hồn ở đỉnh đầu và 2 tay. Người ốm do hồn lìa khỏi thể xác, nên rất kiêng xoa đầu trẻ em. Cũng có nơi người ta quan niệm hồn trú ngụ ở hai bàn tay nên trẻ em kiêng không chơi hoa và vỗ tay. Do quan niệm người có hồn nên khi trẻ em sinh được ba ngày, người ta đốt lửa để gọi hồn trẻ. Người có con trai thờ “thần ruộng vườn”, người có con gái thờ “thần giường” bảo vệ con cái.

Vì tin ma sau khi cúng, người ta còn đeo bùa, đồng thời lại hay “cấm bang”, khi gia đình có người ốm, nấu rượu, lợn đẻ… Việc tin ma ngũ hải đã ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nông thôn.

Những vết tích tô tem giáo còn lại một cách mờ nhạt trong những kiêng kị của các dòng họ, trong quan niệm sự khác nhau giữa các ngành từng họ, trong các vật cần có khi cúng bái.

Quan niệm luân hồi trong quần chúng thể hiện trong việc cúng bái, lòng mong ước tái sinh khi tự tử,….

Từ những năm đầu thế kỷ này các giáo sĩ đạo Thiên chúa giáo đã truyền đạo ở nhiều vùng Mèo. Năm 1905 nhà thờ Thiên chúa giáo (bằng gỗ) đã được dựng ở Sapa, sau đó ở Nghĩa Lộ. Kinh thánh đã được dịch ra tiếng Mèo. Các giáo sĩ thường tuyên truyền rằng, người Mèo và Pháp sinh ra cùng một ông tổ, chúa là con ma to nhất cai quản mọi ma, theo chúa không òn có con ma nào quấy. Thế nhưng mãi đến năm 1930, khi phải dựa vào cha cố để kiện tụng, mới có người theo Đạo Thiên chúa. Đến 1942- 1944  thời kì nhiều người đi đạo nhất ở Sapa cũng chỉ có trên 30 hộ. Sau năm 1945 nhiều người bỏ đạo Thiên chúa.


Xem thêm:

Văn hóa và khám phá du lịch Sapa

Văn hóa và khám phá du lịch Hà Giang


 




Bài xem nhiều