8 đặc sản Gia Lai ai đi xa đều nhớ

01/02/2018 14:53 +07 - Lượt xem: 35292

Phở khô

Có thể nói, phở khô là đặc sản Gia Lai nổi tiếng bậc nhất. Món ăn mà du khách được nghe nhiều nhất khi đặt chân đến phố núi chính là phở khô. Thậm chí, tiếng tăm còn lan sang các tỉnh xung quanh như Đăk Lăk, Kon Tum… Món ăn này giống như phở trộn ở các tỉnh thành khác nhưng hương vị đậm đà hơn, gây thương nhớ cho không chỉ người xa quê mà còn những người phương xa dù chỉ một lần thưởng thức. Món ăn được phục vụ bằng 2 tô, một tô phở khô trộn và một tô đựng nước lèo riêng.

Bánh phở có vị dẻo dai, sợi nhỏ, làm từ bột gạo cay, trước khi ăn chần qua nước sôi nhưng không bị bở mềm hay nát mà vẫn dai và thơm ngon. Phở sẽ trộn chung với thịt gà, thịt lợn băm xào hành, hành phi, rau thơm… Tô nước dùng mới chính là bí quyết khiến món ăn nổi danh bốn phương. Nó được ninh từ xương, không thể thiếu thịt bò, gân bò, thịt gà… Bạn có thể ăn đặc sản này ở nhiều nhà hàng ở Gia Lai mà không tốn công đi tìm vất vả.

Muối kiến vàng

Tên món đặc sản Gia Lai này vừa kích thích sự tò mò của du khách vừa “dọa dẫm” những ai yếu bóng vía. Nhưng quả thực muối kiến vàng là món ăn nhất định phải thử hoặc mua về làm quà nếu có dịp đến Gia Lai. Loại muối độc nhất vô nhị này được làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai). Người ta bắt những con kiến vàng, rang qua trên lửa cho chín tái rồi giã nhỏ cùng với muối hạt to, ớt thật cay, một chút hành phi khô và cộng thêm một số loại lá cây rừng… Muối kiến vàng chấm cùng thịt nướng là tuyệt nhất. Vị mặn riêng của kiến cùng với axit trong bụng chúng chua chua như muối và chanh kết hợp cái cay ớt, hăng hăng của kiến và các lá lạ tạo ra hương vị khó quên.

Cơm lam gà nướng

Hầu như tỉnh vùng núi nào cũng có đặc sản cơm lam nhưng mỗi vùng lại có một cách chế biến, chọn hương vị và cách ăn khác nhau. Ở Gia Lai, người ta ăn cơm lam với gà nướng, thay vì ăn với muối vừng như các tỉnh Tây Bắc. Gạo để nấu cơm là loại gạo nương, hạt to, vị thơm ngọt, cho vào ống tre, nứa non, mùi vị của tre nứa sẽ ngấm vào hạt gạo một cách tự nhiên. Do đó, chỉ cần chẻ đôi ống cơm lam ra là bạn đã có thể ngửi thấy mùi hương nhè nhẹ, vị ngòn ngọt nhẹ của gạo, ăn kèm miếng gà nướng bằng than hồng hơi cháy xém thì không gì sánh bằng.

Gỏi lá

Không riêng gì Gia Lai, gỏi lá là đặc sản của núi rừng Tây Nguyên nói chung. Lá rừng là tài nguyên vô tận rừng núi đại ngàn nên một món ăn kết hợp đầy đủ các hương vị lá sẽ ấn tượng mạnh với du khách. Lẩu lá rừng hay gỏi lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Khi ăn, bạn cuộn các loại lá với mắm thịt, nem thính. Vị độc đáo của các loại lá quyện với thịt sẽ khiến người ăn thích thú.

Bún mắm cua thối

Đây tiếp tục là một món ăn mới nghe tên thì khó chấp nhận nhưng đã mê rồi thì khó mà dứt ở Gia Lai. Với những ai không quen, chỉ cần đi ngang qua quán cũng có thể ngửi thấy mùi thum thủm của cua đồng, ủ một đêm cho lên men. Chính bởi mùi hương lạ này mà món ăn kén người hơn rất nhiều so với các loại bún cua khác ở Việt Nam. Món ăn là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống… Quên đi mùi khó chịu bạn đầu, thực khách sẽ cảm nhận vị mặn, cay, lạ của bún và nước dùng lạ miệng.

Mật ong rừng

Ở Gia Lai, với diện tích trồng cà phê và dã quỳ mọc dại rất lớn nên thúc đẩy việc nuôi ong lấy mật của đồng bào dân tộc. Mật ong Gia Lai được coi là một loại thuốc quý trong Đông y, có nhiều tác dụng bồi bổ, làm ấm cơ thể. Mật ong có màu vàng óng, đặc quánh, trong suốt, dính. Tuy nhiên, bạn cần mua ở các cơ sở uy tín để tránh mua phải sản phẩm bị trộn nước đường.

Măng chua

Rừng nhiều nên măng rừng cũng là đặc sản nổi tiếng của phố núi Gia Lai. Vào mùa mưa, mặc mọc dại nhiều, tươi non. Chúng được hái về, làm rạch và ngâm cùng ớt và tỏi, thêm muối và đường cho đậm vị. Măng chua ăn trong bữa cơm hoặc ăn cùng các loại bún, phở, miến cũng thật tuyệt hảo. Vị chua tự nhiên của măng, cay của ớt, thơm nồng của tỏi kích thích cả vị khác lẫn khứu giác.

Bò một nắng

Thịt trâu thịt bò ở vùng rừng núi luôn có hương vị đậm đà hơn những nơi khác. Bò ở Gia Lai nuôi thả tự do nên thịt đặc biệt dai và ngọt thơm. Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Thay vì phơi khô hoàn toàn, thịt bò chỉ phơi qua một nắng cho khô vừa đủ, khi ăn phải nướng lại trên than hồng, còn nếu mua về nhà bạn có thể nướng lại bằng lò vi sóng. Bò một nắng có vị đậm đà hơn mà không bị khô cứng, ăn cùng rau thơm, chấm với nước tương và nhâm nhi bên vò rượu cần núi rừng trong một ngày mưa lạnh thì thật là thú vị.

 




Bài xem nhiều