Phong tục tắm tiên ở Tú Lệ
Tắm tiên là phong tục của người Việt tồn tại từ thời xa xưa. Nếu như ngày nay, nhiều người Việt xa lạ với tục tắm ngoài trời như giếng làng, ao hồ, sông suối, … thì ngày ấy nó rất phổ biến như một thói quen sinh hoạt hàng ngày mà không ai phải ngượng, cũng không có gì xấu hổ, hay tục bậy cả. Tục này tùy từng vùng, còn tồn tại cho đến cuối thế kỉ XX mới mất dần.
Ngày xưa, mỗi làng thường chỉ đào một giếng khơi lớn dùng để tắm giặt và một giếng sâu để lấy nước ăn. Tất nhiên, ngoài hai giếng chung này mỗi giáp hay mỗi gia đình khá giả đều có thể đào giếng nhỏ riêng, nhưng đa phần sinh hoạt của làng thường kề cận bên chợ làng hoặc giếng chung – hay còn được gọi là giếng làng.
Chiều chiều, sau khi kết thúc một ngày lao động vất vả, dân làng vẫn cùng nhau ra giếng vệ sinh thân thể. Đàn ông và đàn bà, từ già đến trẻ, chia làm hai bên đứng tắm. Họ có thể cởi trần truồng hoàn toàn, dùng gầu bằng mo cau hay bằng thùng gỗ cột dây thừng quăng xuống giếng múc nước dội lên người. Ngày xưa có quan niệm rằng: chuyện tắm không mặc đồ bên giếng làng không phải chuyện gì khác thường cả.
Những làng gần sông nước thì nơi bờ sông sẽ trở thành bãi tắm cộng đồng vào mỗi chiều tà sau khi xong việc đồng áng. Ở miền núi, nơi có nguồn nước chảy ra thành vũng lớn tự nhiên có cây mọc hay đá chắn làm đôi bên là trở thành bến tắm, nam nữ cứ trần trụi xuống hòa mình giữa dòng nước theo bên của mình.
Tắm tiên và tắm truồng có lẽ là tập tục rất lâu đời của thổ dân Nam Á xưa. Thế nhưng nhiều năm nay, nét văn hóa ấy đã mai một dần. Xã hội thay đổi, dẫn đến sự đổi thay của nhiều phong tục, tập quán ở nhiều địa phương. Cuộc sống của người dân dần đầy đủ hơn, nên nhu cầu vật chất cũng cao hơn. Nhà cửa được cơi rộng, xây dựng hệ thống dẫn nước về khiến nhà tắm riêng của từng hộ gia đình là thứ không thể thiếu. Chính vì thế, nét văn hóa tắm tiên, tắm truồng ngày xưa phai nhạt dần và gần như mất hẳn.
Vậy nên, tục lệ ấy dần phai nhòa, các cô gái tắm bên giếng làng giờ chỉ còn sót lại một đôi chốn ở Tây Nguyên. Tắm tiên nơi công cộng cũng còn được vương lại tại vài suối nước nóng ở Nghĩa Lộ, Tú Lệ…
Với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc mỗi hộ gia đình có thể tự xây cho mình một nhà tắm riêng không còn là vấn đề khó khăn. Đối với người dân ở xã Tú Lệ cũng vậy. Tuy nhiên, họ cho rằng tất cả mọi người cùng tắm chung như vậy, không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, mà sâu xa hơn, nó còn thể hiện tính cộng đồng. Không phân biệt già – trẻ – gái – trai, tất cả cùng nhau tắm, cùng hủ hỉ những câu chuyện thường nhật, nó giống như chất keo quện gắn tình làng nghĩa xóm lại với nhau.
Tú Lệ là một xã nằm ở vùng đất phía Tây của tỉnh Yên Bái. Từ thị xã Nghĩa Lộ – trung tâm của cánh đồng Mường Lò, theo quốc lộ 32 lên Mù Căng Chải, trước lúc vượt sừng trời (đèo Khau Phạ). Tú Lệ đột ngột hiện ra với mùi lúa nếp chin thơm ngào ngạt. Xã Tú Lệ nằm trọn trong lòng thung lung khá rộng, với 172 ha ruộng nước. Đây là nơi cư trú của nhiều hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái.
Tú Lệ bốn mùa đều đẹp, mùa làm đất thì long lanh sắc nước, bờ be, đất nâu một màu trù phú. Mùa gieo mạ lúa xanh như tấm thảm, xanh từng mảnh rời rạc, tạo thành những điểm nhấn ấn tượng. Mùa lúa xanh xanh ngát đến tận trời, mùa lúa chin lại vàng ươm, dạt dào như sóng biển. Mùa gặt náo nức rộn ràng, Nhìn ngày mùa mới tươi tắn cũng thấy căng tràn sự sống và mang màu sắc của bình yên. Những thửa ruộng của người Thái tỏa hương thơm ngào ngạt. Vào mùa gặt, những cô gái Thái đeo gùi từ chợ về nhà hay vội vã hối hả nhặt cỏ, gặt lúa trên thửa ruộng nhà mình. Cuối chiều, khi người già, trẻ, gái, trai trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, họ cùng nhau đi thành từng tốp ra suối nước nóng tắm. Suối khoáng nóng là món quà vô giá do mẹ thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Thật kì lạ, ở Tú Lệ, dòng khoáng nóng nằm ngay cạnh suối nước lạnh. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ở Tú Lệ chỉ dưới 10 độ, thì nhiệt độ dưới suối nước nóng vẫn ở mức 38 – 40 độ, đôi khi lên tới 45 độ C, khói bốc nghi ngút.
Đến suối khoáng, người dân tộc Thái không phân biệt nam nữ đều ngâm mình xuống dòng nước trong bốc hơi nghi ngút. Đối với một số người chưa từng biết đến phong tục này thì sẽ thấy thô và phàm tục. Nhưng đối với người dân Tú Lệ, đây là một việc rất bình thường, không thể thiếu trong ngày. Tập quán bao đời nay vẫn vậy, các cô có thể đỏ mặt, thẹn thùng khi trai làng tán tỉnh, nhưng tắm cùng mọi người dưới suối lại là chuyện đương nhiên như ai cũng vậy.
Cách trút bỏ y phục của các cô gái Thái cũng rất khéo léo. Với chiếc váy đen truyền thống thường mặc, họ biến nó thành phòng tắm di động, vừa kín đáo lại rất duyên dáng. Có thể vừa mặc vừa tắm, nghĩa là tắm đến đâu thì sẽ bỏ váy lên đến đó. Tắm cũng là một nghệ thuật, mà họ đã được chị, được mẹ chỉ cho từ khi biết thẹn thùng.
Theo lời những người dân trong làng, nam nữ tắm chung, nhưng tuyệt đối không ai có hành vi xấu, trêu ghẹo, tán tỉnh nhau. Họ thầm hiểu những quy định riêng. Vì vậy, trong vùng có tục tắm suối nhưng không có những chuyện bậy bạ, không hay xảy ra.
Du khách tới đây cũng có thể hòa mình vào dòng nước ấm, trò chuyện cùng các chàng trai, cô gái Thái. Dòng nước khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe, giúp chữa được nhiều bệnh tật về xương khớp, hô hấp, đường huyết…, bởi vậy người dân ở Tú Lệ ít có bệnh vặt giống người dân ở thành thị. Đi vào thời điểm cuối thu, du khách có thể kết hợp tham quan những ruộng lúa bậc thang chín vàng ươm , tham gia trải nghiệm nhảy dù “Bay trên mùa vàng” ngắm toàn cảnh ruộng lúa chín của Mù Căng Chải.
Không ai rõ tục tắm tiên chính xác xuất hiện từ khi nào, nhưng sẽ là sự mất mát, thiếu vắng lớn nếu một ngày trên các khe nước, suối nguồn của Tây Bắc mất đi bóng dáng những người con gái Thái đi vác nước hay tắm suối. Tắm suối đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống dân tộc Thái. Có người đã từng ví von rằng Tây Bắc nếu không có tục tắm tiên cũng giống như không có sự xuất hiện của những cánh rừng hoa ban sặc sỡ. Lên vùng cao Tú Lệ, người ta mới thấm hơn cái hồn của xứ Thái và ý nghĩa sâu xa của câu ca:
“Tú Lệ gạo nếp thơm hương
Đã ăn một miếng thì thương suốt đời
……
Tú Lệ có tục tắm tiên
Ai đi đến đó là quên đường về”