Tìm về những ngôi làng cổ gần Hà Nội ngày cuối tuần

10/10/2017 09:33 +07 - Lượt xem: 32692

Làng Cổ Loa

 

Làng Cổ Loa  chính là nơi lưu dấu ân di tích xưa của của kinh đô Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào thế kỷ thứ 3 TCN và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền vào thế kỷ 10 SCN. Là mảnh đất gắn với những truyền thuyết về những đời vua Hùng từ thời dựng nước, không quá ngạc nhiên khi làng có nhiều công trình kiến trúc cổ độc đáo. Đặc biệt là thành Cổ Loa. Đây là thành cổ lâu đời vào bậc nhất của Việt Nam được xây dựng theo lối vòng ốc. Hiện nay Cổ Loa được công nhận là một trong 21 khu du lịch quốc gia, mở cửa quanh năm cho du khách tham quan. Trong khu di tích có các công trình như Đền Thượng, Giếng Ngọc, Đình Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương

Không những thế, nằm ở ngoại thành Hà Nội, có thời tiết rõ rệt 4 mùa quanh năm, Cổ Loa vào mỗi mùa lại mang trên mình một vẻ đẹp riêng. Nhưng theo kinh nghiệm, thì thời gian thích hợp nhất để đến với Cổ Loa là vào mùa thu, khi tiết trời mát mẻ, đặc biệt là vào những ngày mùng 1, mùng 6, 11,16,21,26 hàng tháng để được hòa mình vào không khí của những buổi chợ phiên lâu đời còn sót lại ở đây.

Chỉ cách trung tâm Hà Nội 20 km, nên để đến Cổ Loa khá đơn giản. Bạn có thể đi xe máy, taxi,  hoặc  thảnh thơi ngắm nhìn đường xá trên những tuyến xe bus. Cũng đừng quên nếm thử món cháo Trai nổi tiếng nơi đây nhé

Làng cổ Đường Lâm

Cách Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận  thị xã Sơn Tây nằm bên bờ phía Nam sông Hồng, cạnh quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh . Đây là ngôi làng cổ đầu tiên của Việt Nam được nhà nước trao bằng di tích lịch sử quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật.

Đến với Đường Lâm, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ được xây bằng đá ong, có những ngôi nhà có hàng trăm năm tuổi nhuốm màu rêu phong, cổ kính. Đường làng lát gạch đỏ với nhiều ngõ cụt, những ngã đường hình xương cá tụ hội về trục đường chính. Đến Đường Lâm, chúng ta ghé thăm vài ngôi nhà cổ của các ông bà: Dương Thị Lan, Nguyễn Văn Hùng, Hà Thị Điền, HÀ Văn Vĩnh… Chiêm ngưỡng cổng làng, đình làng mang đậm nét cổ kính và nét kiến trúc xưa. Trầm mặc trong không gian thanh tịnh của ngôi chùa Mía. Tham quan khu di tích đền và lăng: đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…

Sau khi đạp xe vòng một vòng ngôi làng, bạn hãy ngồi xuống, nhâm nhi tách trà xanh với món kẹo dồi, chè Lam. Khi về, bạn đừng quên mang theo những chai nước tương – thứ gia vị chấm tuyệt ngon nơi đây về làm quà nhé.

Làng cổ Cự Đà

Ngôi làng nằm bên dòng Sông Nhuệ, cách Hà Nội khoàng 20km, Cự Đà là ngôi làng thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đến với Cự Đà, chúng ta đến với một ngôi làng đậm chất thơ, yên bình và cổ kính  với những ngôi nhà 3 gian, 5 gian cổ được làm bằng gỗ, không có tường. Xung quanh làng vẫn còn những cây cổ thụ, cổng làng, mái đình, chùa mang đậm dấu ấn của kiến trúc Việt xưa được xếp hạng di tích quốc gia. Không những thế, nơi đây vẫn còn những ngôi nhà hai tầng mang kiến trúc của Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm.

Làng Cự Đà từ lâu cũng nổi tiếng với nghề làm miến và làm tương. Không khí sản xuất rộn ràng với những tấm phên miến trải dài trên các con đường làng là một hình ảnh đẹp nơi miền quê yên bình, là địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Làng cổ Thổ Hà

Cách Hà Nội 35km, làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.  Đây là một ngôi làng có vị trí như là một ốc đảo được bao bọc bởi dòng sông Cầu thơ mộng, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang vẻ đẹp cổ kính đậm dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan vô cùng độc đáo

Làng Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế – một kiệt tác của kiến trúc cổ Việt Nam

Trong làng vẫn còn giữ được khá nhiều bức tường xây bằng tiểu sành, mảnh gốm.  Những nóc nhà cổ có tuổi đời trên dưới 300 năm  nằm sâu trong ngõ nhỏ phân bổ theo hình xương cá, quanh trục đường hình bàn cờ nối tiếp nhau. Những ngõ nhỏ chỉ rộng chừng một mét, tường cũ rêu phong, hai người đi ngược chiều phải nghiêng mình để tránh nhau.

Đến với làng cổ Thổ Hà  vào dịp đầu xuân, du khách còn được tham gia vào lễ hội của làng, đắm mình trong không gian văn hóa dân gian truyền thống vô cùng sing động nhiều màu sắc. Đặc biệt,  khi đến đây. Du khách sẽ được lên thuyền, xuôi dòng sông Cầu thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mượt mà tình tứ do các liền anh liền chị của làng thể hiện

Làng Nôm

Làng Nôm, hay còn gọ là làng Đại Đồng thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội 30 km về hướng đông. Đây là một ngôi làng cổ còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng dân cư làng xã… Làng Nôm hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành hình mẫu về cấu trúc làng xã vùng Kinh Bắc – vùng đồng bằng Sông Hồng. Làng Nôm còn giữ những nét đẹp xưa, trung tâm của làng là quần thể kiến trúc gồm đình, giếng cổ, cây đa cổ thụ. Ngôi làng vẫn còn giữ được nhiểu di tích cổ kính có niên đại ít nhất 200 năm, tất cả đều nguyên dạng, phủ bụi thời gian. Cả làng vó hơn chục ngôi nhà cổ, 7 nhà thờ các họ. Các cây cầu đá, đình, chùa, chợ hiện lên đẹp đến lạ thường. Cùng với nếp sống thôn quê mộc mạc, chân thàn, làng Nôm hiện ra như một bức tranh thủy mặc, đẹp và yên bình phía sau cánh cổng làng uy nghi hoài cổ.

Làng Ước Lễ

Làng Ước Lễ là một ngôi làng cổ Việt Nam thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng xưa nay nổi tiếng với nghề truyền thống làm giò chả và chiếc cổng làng cổ

Làng vẫn còn khoảng 4 ngôi nhà cổ với niên đại hơn 200 năm tuổi, và một số công trình nhà ở theo kiến trúc thời Pháp thuộc, với các công trình nhà mới xây người dân vẫn sử dụng những tấm liếc che ở mái hiên – đó là một trong những đặc điểm tiêu biểu trong lối kiến trúc nhà ở Bắc Bộ

Ngoài hệ thống nhà cổ thì hệ thống các cổng nhà cổ vẫn còn rất nhiều, tuy nhiên những chiếc cổng còn giữ được đa phần là cổng từ thời Pháp thuộc

Làng Ước Lễ vẫn còn nhiều lũy tre xanh trong hệ thống cảnh quan làng. Lũy tre được trồng ven kênh mương, ven bờ ao hoặc ven lối xóm thành một hàng rào bảo vệ

Bên cạnh đó, hàng rào bằng cây xanh – một nét đẹp của làng quê Việt vẫn được một số gia đình còn giữ lại

Một điều ấn tượng ở đây nữa là, dân làng vẫn còn xây rất nhiều cây rơm, một biểu tượng của làng quê đã bị mai một đi rất nhiều. Người dân làm cây rơm cho súc vật  và dùng trong việc đồng áng.

Làng Cựu

Cách Hà Nội chừng 30km, làng Cựu thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên hiện lên với một vẻ đẹp riêng vô cùng độc đáo với những kiến trúc nhà khác hẳn so với những ngôi nhà truyền thống của làng quê Bắc Bộ. Ở Làng Cựu, những ngôi nhà hiện đại gần như không có, những ngôi nhà cấp 4 kiểu mẫu thời bao cấp cũng khó tìm thấy.

Sở dĩ có sự khác biệt ấy là do kiến trúc nhà ở đây có sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ. Tất cả ngôi nhà ở đây nửa ta nửa tây, nửa tráng lệ nửa bình dân tạo nên một cảm giác lạ lẫm. Ngôi làng có rất nhiều ngôi nhà cổ, nhưng đa phần không có người ở, chính vì thế mà không khí ở đây tĩnh mịch, không gian nhuốm màu rêu phong. Những ngõ nhỏ lát đá xanh, những tảng đá lớn, dày, mát lạnh rất phù hợp với không gian cổ kính của làng

 




Bài xem nhiều