THÔNG TIN GIỚI THIỆU TUYẾN XUYÊN VIỆT - P2: Từ Thanh Hóa đến Quảng Bình

30/03/2017 02:16 +07 - Lượt xem: 55608

Những địa danh cần giới thiệu cho khách du lịch biết trên tuyến du lịch xuyên Việt 

4.     Tỉnh Thanh Hóa:

Kết quả hình ảnh cho Thanh Hóa

.       Km 283: phía bên phải là Đền Sòng thờ bà Liễu Hạnh, còn gọi là Thánh Mẫu

·      Km 115 (287): đây là địa giới giữa Ninh Bình với Thanh Hóa. Chân đèo phía bên phải là đền Sòng, thờ bà Liễu Hạnh nổi tiếng là linh thiêng, lễ hội diễn ra vào mùa xuân hàng năm.

·       Km 123 (295): thị xã Bỉm Sơn, cũng là 1 thị xã mới và xây dựng rất nhanh. Bên trái là nhà máy xi măng Bỉm Sơn do Liên Xô (Nga) giúp ta xây dựng, có công suất 1,2 tr tấn/ năm.

Bên phải có đường đi Phiêu Sơn đến xã Triệu Tường là quê gốc của các vua triều Nguyễn (Bảo Đại đã có lần về thăm quê, nhân dân đã phải đón tiếp rất khổ cực và tốn kém). Ở Triệu Tường có mía tiến vua là một đặc sản của vùng. Hàng năm nhân dân khiêng cả khóm mía về kinh thành Huế để tiến vua.

.        Km 133 (305): cầu Lèn, bắc qua sông Lèn chảy ra cửa Lạch Trường (một chi lưu của sông Mã). Cầu có chiều dài 160 m. Nơi đây trong chiến tranh chống Mỹ là một trong những trọng điểm ác liệt nhất. Bên phải chính là đường đi các huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy. Phía bên trái có đường đi huyện Nga Sơn và đến động “ Từ Thức nhập thiên thai” (có thể kể cho khách nghe về truyền thuyết quan Từ Thức, nếu biết).

Kết quả hình ảnh cho cầu Đò Lèn

Cầu Đò Lèn

·       Km 139 (308): bên trái đường là đền thờ Bà Triệu nằm trên núi Aí (hay còn gọi là núi Gai). Bên phải đường 1km là núi Sơn Trang (còn gọi là núi Tùng) có ngọn tháp là lăng mộ Bà Triệu. Nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu cuối cùng của quân đội Triệu Trinh Nương chỉ huy chống lại quân Ngô (Trung  Quốc) do Lục Dận cầm đầu. Bà và 2 vị tướng của mình đã tuẫn tiết. (có thể nói thêm về thân thế, dự nghiệp , khí phách của bà Triệu hoặc các truyền thuyết về Bà).

·       Km 144 (318): cầu Tào bắc qua sông Tào, một chi lưu nhỏ của sông Mã. Phía bên phải 8 km là quê  hương của trạng Quỳnh và là quê của ông Trương Tuấn Kiệt (làng Đại Tiền), ông giữ chức thượng thư bộ lại (thời Lê) mà ăn cơm hẩm, mặc áo vá. Các cụ già vẫn luôn lấy tấm gương của Trương Tuấn Kiệt để răn dạy con cháu.

·       Km 148 (320): cầu Hàm Rồng, dài 160m bắc qua sông Mã, sông Mã chảy ra biển Cửa Hới. Hình thể núi như con rồng, bên này sông là núi Ngọc hay còn gọi là Hòn Nít, gọi chữ là Hỏa Châu Phong (vì giống như ngọn lửa).

Trước kia thuộc Pháp, người Pháp không xây được trụ ở giữa lòng sông vì sông sâu, do đó họ đã bắc cầu chỉ có 2 mố, thành cầu là vòng bán nguyệt. Ngày nay, ta đã đổ được trụ và cầu đá, được khánh thành vào ngày 19-05-1964. Chỉ sau hơn 1 năm (05-08-1965), Mỹ đã mang bom đến phá hoại. nhưng 107 máy bay Mỹ đã bị hạ. Hàm Rồng nâng dân tộc ta lên tầm anh hùng: chị Ngô Thị Tuyển, chị Hằng, các anh Xếp, Dặt, Sáu,… cùng với cầu vẫn còn như chữ “Quyết Thắng” của thanh niên Hàm Rồng đã viết trên núi Cánh Tiên.

Có thể giới thiệu thêm về núi Đọ, di chỉ thời đồ đá cũ (phía bắc Thành phố Thanh Hóa khoảng 4 km) để chứng minh về sự có mặt của con người Việt rất sớm trên vùng đất Thanh Hóa.

Kết quả hình ảnh cho cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng

·       Km 150 (321): bên trái là làng Đông Sơn, một điểm khảo cổ học, ngày nay đã trở thành nền văn hóa Đông Sơn.

Năm 1924, một ngư dân ở Đông Sơn đã đào được 1 số đồ đồng. Người Pháp phụ trách thương chính ở Thanh Hóa là Pagiô đã mua và bán lại cho viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Sau đó, họ tiếp tục khai quật thu được 200 đồ đồng thau đủ các loại như công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng, trang sức, nghệ thuật… Những di tích văn hóa này đã chứng minh và khẳng định sự ra đời của dân tộc Việt và nền văn hóa cao, rất sớm trên thế giới. Nó hủy bỏ các luận cứ trước đó cho rằng dân tộc Việt được du nhập từ phương Bắc.

·      Km 153 (325): Thành phố Thanh Hóa. Thành phố tỉnh lỵ ngày nay có từ năm 1804. Thành cổ được xây vào năm 1829 với chu vi 2,5km trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên ngày nay đã không còn.

Phía bên trái có đường đi bãi biển Sầm Sơn. Ở phía tây thành phố có các đường đi Thiệu Hóa 25km đến đất Lam Sơn, quê hương của Lê Lợi, nay còn mộ gọi là Vĩnh Lăng (có thể nói thêm về sự nghiệp, thân thế của Lê Lợi và công cuộc chống quân Minh đô hộ 1418-1428, về Nguyễn Trãi và một số chiến hữu của Lê Lợi như Lê Lai, Phan Văn Xảo, Nguyễn Chích, Lê Sát, Lê Triệu, Lê Khôi,….)

Đi khoảng 46 km từ thành phố là thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ)  xây năm 1396. Đây là một kỳ tích về xây dựng của người lao động Việt Nam. Hiện còn 3 cổng thành ở phía nam gọi là cổng Tiền rộng 6m, cao 9m và dày 14m. Kì lạ của việc xây thành là chỉ trong 3 tháng (1397) đắp 8 vạn mét khối lũy, xây hàng vạn mét khối đá, đưa được những tảng đá xanh dài 7m, rộng 1,7m dày 1,2m, nặng 20 tấn lên cổng thành….

Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.

Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt.

Kết quả hình ảnh cho Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ

·       Km 155 (327): cầu Bố. Xưa kia, cầu Bố cách thị xã 2 km, nay thị xã được mở rộng nên cầu Bố trở thành nội thị. Đây là nơi cư trú, buôn bán của nhân dân khu III tản cư tránh giặc thời kì chống Pháp 9 năm.

·       Km 167(339): Cầu Ghép, trước là Phà Ghép. Sông rộng 800m. Đây là điểm nóng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước

·       Km 185 (365): Phố Còng, huyện lỵ huyện Tĩnh Gia, huyện cuối cùng của tỉnh Thanh Hóa. Huyện được phong danh hiệu anh hùng, phía đông nam giáp biển là Ba Làng.

Tĩnh Gia là quê hương của Đào Duy Từ (phía tây bắc của huyện, giáp với huyện Nông Cống)

·       Km 197 (369): núi Xước, còn di tích thành Tĩnh Gia cũ. Ở đây còn có Cầu Hang (nơi hẹp nhất giữa biển và núi), đây là nơi đánh phá ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ.

·       Km 202 (378): Khoa Trường – nơi săn bắn chim của khách du lịch vì mùa đông chim từ phương bắc về vùng đồng lầy này trú rét và kiếm mồi. Cách 15 km ngoài biển là đảo Hòn Mê (tròn, cao 251m, tiền tiêu của đất nước. Giặc Mỹ đã bắn phá đầu tiên khi leo thang ra miền Bắc.)

Nghe tin giặc bắn Hòn Mê

Đêm nằm nghe biển gọi về quê hương

…………..

(thơ Nhật ký đường về của Tố Hữu)

·       Km 205 (377): có đường ra biển bãi Ngọc Đường, ngoài khơi có đảo Biện Sơn (4km2) có đền thờ Mỵ Nương, biển có ngọc trai. Vua Quang Trung đã xây dựng ở đây thành quân cảng, có thành lũy, đại bác,….

5.     Tỉnh Nghệ An:

Kết quả hình ảnh cho Nghệ An bản đồ du lịch

·       Km 208 (380): đây là Sơn Châu, địa giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. (có thể giới thiệu về lịch sử, địa lý, con người, danh nhân xứ Nghệ An)

·       Km 209 (383,5): vào đất thị xã Hoàng Mai – xưa kia là huyện Quỳnh Lưu là huyện có nguồn lúa, lạc, hải sản,… khá trù phú. Đây là quê hương anh hùng quân đội Cù Chính Lan đánh xe tăng trên chiến dịch Hòa Bình.

·       Km 229 (399): Quán Mai trên bờ sông Hoàng Mai chảy ra biển ở Cửa Cờn. Tại đây có Quỳnh Lập là  trại phong, nơi này đã chữa cho nhiều người mắc bệnh phong song bị đế quốc Mỹ bắn phá rất nhiều lần. Ở  đây còn có núi Mồng Gà và có suối nước rất nóng.

·       Km 238(400):  Phú Mỹ, đồi Vỏ Hà. Đây là cồn cao do vỏ hà ở biển tạo thành. Đây là quê hương của Hồ Qúy Ly, hiện nay vẫn còn đền thờ họ, cũng là nơi Quận He Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa chống Trịnh ở Đồ Sơn. Nhưng cuộc khởi nghĩa bị thất bại khi chạy đến vùng này thì bị bắt.

·       Km 242(404): Cầu Giát- huyện lỵ huyện Quỳnh Lưu. Sông Hàu chảy ra biển ở Cửa Quèn. Bên trái 6km là làng Quỳnh Đôi quê Hồ Xuân Hương “bà chúa thơ Nôm” của Việt Nam (cũng có thể nói thêm về thân thê, tác phẩm của thi sĩ).

·       Km 253(425): huyện lỵ Diễn Châu. Trước kia đã có thời kì Diễn Châu là tỉnh lị của Nghệ An. Bên phải có đường đi lên Yên Thành- Đô Lương. Diễn Châu còn là quê của Nguyễn Danh Lộc- một mưu sĩ cuả Lê Lợi đã bày mưu làm cho quân Minh Phải bỏ đất Nghệ An mà chạy. Đây cũng là quê hương của Nguyễn Xuân Áng, người đã đánh hổ cứu mẹ.

·       Km 261(433): Núi Cuông (đèo Mộ Giạ). Bên trái, sườn núi có đền thờ An Dương Vương, kiến trúc đẹp và nguyên vẹn trong chiến tranh. (có thể nói thêm lịch sử và truyền thuyết về Cổ Loa, về An Dương Vương và bi tình sử Mị Châu- Trọng Thủy).

Ven núi Cuông còn dấu vết lò luyện thép từ thời An Dương Vương.(làng Nho Lâm hiện nay còn thờ ông Lưu Cao Sơn- một người thợ luyện thép từ thời ấy)

·       Km 269 (443,4): Cầu Cấm, sông chảy ra Cửa Lò

·      Km 279 (450- 451): Quán Hành, huyện lị huyện Nghi Lộc. Phía bên phải có đường đi vào xã Đoài, có giống cam ngon nổi tiếng. cách xã Đoài 11km, có tam tòa thờ Uy Minh Vương đời Lý- người được triều đình giao trấn thủ Nghệ An và bang giao với vua Chăm Pa. Ông là một vị quan rất thanh liêm được dân Việt và Chăm Pa yêu mến và lập đền thờ. Ngoài ra, Nghi Lộc cũng là quê của Đặng Thái Thân, là đồng chí và cũng là học trò của Phan Bội Châu, chống Pháp 5 năm ở Nghi Lộc. Khi bị bao vây, ông đã bắn viên đạn cuối cùng rồi tự vẫn.

·       Km 287 (459): Quán Bánh. Bên trái có đường đi Cửa Lò (14km) Hải Cảng và là nơi nghỉ mát có từ thời Pháp. Nơi ấy còn di tích tướng Nguyễn Xí (tướng của Lê Lợi), là người dạy dân làm muối bằng lò nấu.

·       Km 291 (463): Thành phố Vinh

Dân số khoảng 40 vạn. Từ thời Lê có tên là Nghệ An thừa tuyên. Tỉnh lị được thành lập từ 1804. Năm 1831 xây thành cổ, nay chỉ còn dấu vết. Quang Trung đã dự định xây làm kinh đô gọi là Trung Đô ở núi Phương Hoàng gần bến Thủy.

Thành phố Vinh trong chiến tranh chống Pháp đã bị phá hủy. Đến năm 1954 đã được xây dựng lại, đến năm 1965- 1972 Mỹ đã tàn phá nhiều lần với 3000 tấn bom đã dội xuống thành phố. Có 2000 liệt sĩ trong 2 cuộc chiến tranh.

Kết quả hình ảnh cho Thành phố Vinh tượng đài Bác

Quảng trường Hồ Chí Minh

Chợ Vinh, rẽ phải chính là đường đi Nam Đàn Quê Bác. Đây cũng là quê hương của cụ Phan Bội Châu. Rẽ trái chính là đường ra cửa Hội Cảng của thành phố Vinh

Thành phố Vinh còn là quê hương của Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều các danh nhân khác không thể nói hết.

·       Km 295 (467): cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam, dài 620m, rộng 8,2m và có 12 trụ. Cầu được khánh thành 30-08-1990 và trước đây nó là phà. Nơi đây giặc Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt. Làng Dũng Quyết phía bắc phà phải hứng chịu 105 trận bom. Bến phà cứ trung bình 1m2 phải chịu 1 quả bom. Qua cầu là sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh.

6.     Tỉnh Hà Tĩnh:

Kết quả hình ảnh cho Hà Tĩnh bản đồ du lịch

·       Km 297 (469):  rẽ trái ra Cửa Hội- thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh

·       Km 300 (472): bên trái là làng Uy Viễn, quê hương của danh nhân Nguyễn Công Trứ, người đã sáng lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Cùng ở phía trái là làng Tả Ao, đây là quê hương của ông Tả Ao – một vị thầy địa lý nổi tiếng dưới triều nhà Lê.

·       Km 301 (473):  phía bên trái là huyện Nghi Xuân- quê hương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tác giả tác phẩm “Truyện Kiều” và “ Văn tế thập loại chúng sinh”. Hiện nay vẫn còn một nhà thờ nhỏ để tưởng nhớ nhà thơ lớn này. Trước đây đã có dự định tạo ra một khu vườn trồng các loại cây có tên trong truyện  Kiều. Nhưng giặc Mỹ đã đến bắn phá làm thất bại dự định này.

Bên trái đường là dãy núi Hồng Lĩnh, ngọn Hương Tích cao nhất 678m. Ở đây có Chùa Hương thờ Phật cũng giống như Chùa Hương ngoài miền Bắc, hội diễn ra vào ngày 18-2 âm lịch. Núi Hồng Lĩnh đã đi vào thơ ca Việt Nam qua các thời đại.

Nếu rẽ phải , chúng ta sẽ đi vào huyện lỵ huyện Đức Thọ – một huyện giàu có của tỉnh Hà Tĩnh. Đức Thọ là quê hương của đồng chí Trần Phú, quê của Phan Đình Phùng và cũng là quê của Hoàng Cao Khải (thân Pháp).

·       Km 317 (489): làng Mỹ Hợp, thuộc huyện Can Lộc. Đây là quê hương của danh nhân Đặng Tất và con là Đặng Dung. Đặng Tất bị vua Trần Giản Định giết oan, con đã đưa Trần Qúy Khoáng vào Thanh Nghệ và tôn làm vua. Ông vừa là 1 vị tướng tài vừa là 1 nhà thơ. Bài thơ Cảm Hoài là một bài thơ đầy chí khí của Đặng Dung. Tại Hà Nội cũng có 1 con phố đặt tên ông. Đây cũng là quê hương của Ngô Đức Kế (1878-1929), ông đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan. Ông là chủ bút của báo Hữu Thanh – 1 tờ báo cách mạng. Nhưng cuối cùng ông vẫn bị Pháp bắt.

·       Km 322 (494): đường rẽ bên phải 9 km là huyện lỵ huyện Can Lộc. Can Lộc có ngã 3 Đồng Lộc như 1 biểu tượng cho tuổi trẻ chống Mỹ cứu nước với 10 cô gái thanh niên xung phong, san đường cho xe vào mặt trận. Người tiểu đội trưởng đó là anh hùng Lê Thị Tám. Hiện nay đã xây 10 ngôi mộ tại nơi này để ghi nhớ chiến công của những người thanh niên xung phong.

Kết quả hình ảnh cho Ngã 3 Đồng Lộc

Ngã Ba Đồng Lộc

·       Km 341 (513): Thành phố Hà Tĩnh (từ đường số 1 rẽ trái vào 1,5 km là trung tâm thị xã). Hà Tĩnh được đặt là tỉnh lị đầu triều Nguyễn. Thành cổ Hà Tĩnh được xây từ năm 1870. Phía tây có đường đi Hương Khê, cách 31km là vùng căn cứ của nghĩa quân do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo chống Pháp

·       Km 345 (517): phía đông là Đại Nại, huyện lỵ huyện  Thạch Hà, có làng Hạ Hoàng quê hương của võ tướng Vũ Tá Sắt đời Lê, trong khi đánh giặc đã bị tên đâm trúng mắt, ông đã cầm tên rút mắt ra nuốt đi và tiếp tục đốc  quân đánh giặc .

·       Km 355 (527): Gia Hội, huyện lỵ huyện Cẩm Xuyên là quê hương của Hà Huy Tập. Phía đông có núi Thiên Cầm được vua Hùng đặt tên(đàn trời). Hồ Qúy Ly sau khi thất thế chạy đến đây thì bị bắt.(có thể nói thêm về Hồ Qúy Ly và những dự định cải cách của ông cũng như nói về con trai ông là Hồ Hán Thương).

·       Km 393 (565):  Kỳ Hoa, huyện lỵ huyện Kỳ Anh. Tại đây vẫn còn vết tích của thành cổ đất nước Chămpa. Trước đây là trấn sở trấn Hoan Châu từ đời Lý.

·       Km 403 (575): trạm Thầu Dầu, đây là nơi có nhiều độn cát

·       Km 407 (579): đèo Mũi Đao, từ đây bắt đầu lên đèo Ngang

·       Km 423 (595): Đỉnh Đèo Ngang.

Đèo Ngang còn gọi là Hoành  Sơn, cao 256m. Phía bên phải có đường cũ, lên 980 bậc và cuống 900 bậc, đỉnh là núi Hỏa Hiệu vì khi có hiệu lệnh thì đốt lửa. (có thể nói thêm về Bà Huyện Thanh Quan và bài thơ Qua Đèo Ngang của bà). Đỉnh đèo là địa giới của tỉnh Quảng Bình. Toàn bộ đèo dài 12km,lên 6km, xuống 6 km.

7.     Tỉnh Quảng Bình:

Kết quả hình ảnh cho Quảng Bình bản đồ

·       Km 437 (609): Cầu Ròn, trước kia là Phà Ròn . Sông rộng 210m. Bờ Nam 1km là làng Cảnh Dương, địa danh này đã có trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân. Trong suốt 9 năm kháng chiến, Pháp không vào được làng. Trong làng có nhiều miếu thờ cá voi. Đặc sản của Cảnh Dương là tôm hùm vừa nhiều vừa to. Cầu Ròn là trọng điểm đánh phá của không quân và hải quân Mỹ trước năm 1972.

.       Km 442 (614): Rẽ bên tay trái 4km là Vũng Chùa – Đảo Yến. Đây là nơi an nghỉ của vị tổng tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp: người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

·       Km 452 (624): Ngã ba Thọ Đôn, rẽ phải 3km là Ba Đồn huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, đi thêm nữa là đến động Minh Cầm, một động đẹp nổi tiếng. Quảng Trạch có sâm Bố Chính không kém gì sâm Cao Ly. Ngoài ra, Ba Đồn còn là nơi làm nón rất rẻ và đẹp.

·       Km 458 (630): phà sông Gianh, sông  có tên là sông Linh Giang (còn gọi là sông Rào Cái, sông Thanh Hà…). Vì dòng sông này rất đẹp nên đã được khắc vào cửu đỉnh ở Huế. Ở thế kỉ 16-17, đây là địa giới tranh chấp của cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn. Dòng sông đã được gọi là “Hận sông Gianh”.

Đi qua phà là huyện Bố Trạch- quê hương của 3 danh nhân: Nguyễn Hữu Dật, dòng dõi của Nguyễn Trãi, vào nam cùng với chúa Nguyễn Hoàng đã có công dẹp loạn, mở đất. Hai con của ông và Nguyễn Hữu Cảnh- người đã có công mở đất và em ông Cảnh là ông Nguyễn Hữu Hào- một ông quan văn võ toàn tài. Ông đã sáng tác ra tác phẩm “Song tinh bất dạ nổi tiếng”.

·       Km 465 (637): Đèo Lý Hòa, rẽ trái có đường đi Đá Nhảy. Rẽ phải khoảng 4km có đường đi Hy Duyệt, xưa ở đây có ngọn thápChăm rất đẹp, tại đây khảo cổ cũng được nhiều tượng đá của dân tộc Chăm.

Kết quả hình ảnh cho Động Phong Nha

Động Phong Nha

·       Km 474 (646): huyện lỵ huyện Bố Trạch, bên phải có đường đi đến Động  Phong Nha(30km). Đây là một động rất đẹp, hang dài 1451m bao gồm 14 hang nối tiếp nhau, nhiều nhũ đá kỳ lạ, có động cước, động trời…

Vùng động Phong Nha đã gắn với nhiều địa danh trong cuộc chống mỹ cứu nước cùng với con đường số 20 anh hung.

Rẽ thêm 10km nữa là đến hang Sơn Đòong – một hang động độc đáo nằm trong quần thể động Phong Nha vừa được phát hiện và độc đáo nhất thế giới. 

·       Km 480 (652): Đình Ngói, tại đây có lũy của Nguyễn Hoàng xây đắp để chống Trịnh. Sau lũy là các cồn cát trắng.

·       Km 483 (655): Sân bay Đồng Hới.

·       Km 484 (656): Bên phải có đường đi ra ga Thuận Lý (ga Đồng Hới) 3km. Ở đây toàn là cây khuynh diệp dùng để chế dầu xoa bóp.

·       Km 488 (660): Thị xã Đồng Hới, nằm bên cửa Nhật Lệ. Trước đây, nơi này có lũy Đông Hải, cổng lũy có chữ “Quảng Bình môn”, nhưng đã bị giặc Mỹ tàn  phá trong chiến tranh đến nay đã không còn dấu tích gì. Ở phía bắc của thị xã có Bàu Tró (hồ gọi là bàu). Nơi đó còn có di tích cổ thuộc thời kỳ đá mới, rẽ trái 3km là bãi biển Nhật Lệ

Cửa Nhật Lệ đã nổi danh cùng với tên Bà Mẹ Suốt. Mẹ đã được truy phong anh hùng.

Hình ảnh có liên quan

Quảng Bình Quan

·       Km 496 (671):  Quán Hàu, Cầu 2 đoạn qua Cồn Hàu. Ở đây, xe nặng phải đi qua phà. Cây cầu này bắc qua sông Kiên Giang

·       Km 504(676): Lũy Thầy do Đào Duy Tư tổ chức đắp, xe có thể đi được ở trên lũy. Lũy được đắp từ mũi Đau Mâu ra tới bể.

Từ Quán Hàu đi về phía nam phải đi qua các truông cát như truông Đại Trường Sa (đây là 1 truông cát dài và lớn), truông Tiểu Trường Sa,….

·       Km 520 (692): Mỹ Duyệt Hạ, là cánh đồng thuộc huyện Lệ Thủy, đây là đồng bằng tốt nhất tỉnh, có Sông Kiên Diang cung cấp nước thường  xuyên. Về phía tây khoảng 8km là huyện lỵ huyện Lệ Ninh. Tại đây có nước suối khoáng nóng, sôi ở nhiệt độ 105 độ. Lệ Thủy cũng chính là quê hương của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

·       Km 539 (711): Quán Các

Còn nữa…


Tham khảo thêm:

Thông tin giới thiệu tuyến xuyên Việt – Phần 1

Các tour du lịch Miền Trung

Tour Thiên đường Miền Trung



 




Bài xem nhiều