THÔNG TIN GIỚI THIỆU TUYẾN XUYÊN VIỆT - P1: Từ Hà Nội đến Ninh Bình

30/03/2017 02:16 +07 - Lượt xem: 36670

Những địa danh cần giới thiệu cho khách du lịch biết trên tuyến du lịch xuyên Việt 

1.     Thành phố Hà Nội (Hà Nội là km 174 của đường số I):

Kết quả hình ảnh cho Hồ Hoàn Kiếm

·       Km số 5 (177) (tính từ trung tâm Hà Nội):  km 177 tính theo quốc lộ I có ga Giáp Bát gồm có 8 làng giáp, từ giáp Nhất đến Giáp Bát. Trong số đó làng Giáp Bát là to hơn cả có nhà thờ Thiên Chúa giáo ở bên trái đường.

·       Km số 7 (179): bên phải là làng Đình Công (Định Công), quê của Bùi Xương Trạch (1451-1529), tiến sĩ triều Lê, là 1 người chăm học, một vị quan thanh liêm nhưng nhà nghèo. Đây là tác giả bài “Quảng văn đình phú” nói về cửa Đại Hưng, nơi niêm yết các sắc lệnh của vua. Nhờ bài ký này ta mới biết được địa đồ của Hà Nội cũ. Cửa Đại Hưng là vườn hoa cửa Nam ngày nay.

·       Km số 9 (181): Cầu Tiên, tên cầu đã có trong bài thơ  “Ai tư vãn”, khóc Quang Trung của công chúa Ngọc Hân:

…“Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non

Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”…

Nguyên do là khi Quang Trung mất ở Phú Xuân, nhà Thanh có cử một đoàn sứ bộ lấy cớ sang điếu tang, ta bấy giờ không muốn cho họ vào sâu đến Huế nên đã làm một ngôi mộ giả ở Cầu Tiên để đón đoàn sứ bộ nhà Thanh. Ngôi mộ bằng đá vừa bị kẻ gian dùng mìn phá để định lấy đồ cổ ở trong mộ.

·       Km 10+900 (182+900) : Ga Văn Điển, thị trấn và huyện lỵ huyện Thanh Trì. Thời Pháp thuộc có công ty rượu Văn Điển của Pháp. Rượu mạnh chúng đưa về các thôn xã, bắt buộc đàn ông từ 18 tuổi trở lên phải mua mỗi tháng 1 chai. Vùng này khảo cổ có di tích văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 4000 năm).

(Tìm hiểu thêm: văn hóa Phùng Nguyên 4000 năm; văn hóa Đồng Đậu >3000 năm; văn hóa Gò Mun 3000 năm; văn hóa Đông Sơn 2500 năm)

Nếu rẽ phải có đường đi đến thị xã Hà Đông qua quê hương của Chu Văn An, quê hương Ngô Thì Nhậm

·       Km 13(185): cầu Ngọc Hồi, bắc qua sông Tô Lịch. Bên phải cầu  là biểu tượng chiến thắng Ngọc Hồi năm 1789 (có thể diễn tả thêm cho khách du lịch biết về toàn bộ cuộc chiến thắng của dân ta và tài quân sự của Nguyễn Huệ, giải phóng kinh thành Thăng Long khỏi ách đô hộ của quân Mãn Thanh).

·       Km 16 (188): bên phải 3 km là làng Nhị Khê (tên Nôm là làng Dũi, Ổi Trang, Trại Ôỉ). Đây là quê hương danh nhân Nguyễn Trãi. Hiện nay, tại đây vẫn còn nhà thờ, nơi dạy học của Nguyễn Phi Khanh và hiện vật về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trãi. (Có thể nói thêm về  cuộc khởi nghĩa chống quân Minh- về Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên….). Nhị Khê có nghề thủ công tiện gỗ, tạc tượng gỗ, hàng hóa ở đây đã đi khắp thế giới. Ngoài ra, làng Nhị Khê còn là quê hương của nhà nho yêu nước Lương Văn Can và con là Lương Ngọc Quyến. Đến nay, tên của cả 2 đều được đặt cho đường phố ở Hà Nội.

·       Km 16,5 (188,5): Quán Gánh. Nơi đây có đặc sản bánh dầy (có thể giới thiệu cho khách biết về quy trình làm bánh và hương vị của loại đặc sản này).

·       Km 19 (191): ga và huyện lỵ Thường Tín, cũng là trung tâm chế tạo đồ gỗ sơn từ thế kỷ XV. Tại đây, có đền thờ ông Trần Công là tổ của nghề sơn gỗ. Ở đây còn có nghề thêu truyền thống và nghề làm giò chả ngon nổi tiếng. Từ ga Thường Tín cũng có thể giới thiệu thêm phía tây ga, cách 12km là làng Bình Đà có nghề làm pháo, đặc biệt là pháo hoa (pháo bông). Phía đông ga, cách 6km là sông Hồng. Tại đó có bãi Tự Nhiên, có đền thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (có thể nói truyền thuyết của 2 nhân vật này nếu hướng dẫn viên biết). Nơi ấy chính là bến Chương Dương và bên kia sông là Hàm Tử Quan. Tên các địa danh này đã có từ thời Trần giai đoạn chống quân Nguyên và có trong bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải:

“Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu”

Thường Tín có 2 làng nghề thêu rất giỏi đó là làng Chương Dương và làng Quất Động, các làng này đều thờ ông tổ nghề của mình là Trần Quốc Khải, ông là người dạy dân thêu từ thời  Trần. Đây còn là quê hương của Lý Tử Tấn, giữ chức Hàn Lâm Viện học sĩ đời Lê, người đã viết ra tác phẩm: “Ức Trai dư địa chí” và tập thơ “Thuyết Am thi tập”

·       Km 21(192): Hạ Hồi, đồn tiền tiêu của quân Mãn Thanh  đã bị Quang Trung đánh úp để tiến tới giải phóng Thăng Long (1789).

·       Km 23,5 (195,5): phía bên phải  ven sông là chùa Đậu (còn gọi là chùa Pháp Vũ) làm từ đời Lý. Tại đây có pho tượng nhà sư Vũ Khắc Minh và em là nhà sư Vũ Khắc Trường. Tượng được đắp theo phương pháp cốt tượng là xác thật của nhà sư. Hiện nay, các pho tượng này đang là đề tài nghiên cứu của nhiều ngành khoa học và là điểm hấp dẫn khách du lịch.

·       Km 27,5 (199,5) : Chợ Tía, có đường phía tây đi Ứng Hòa- Vân Đình.

·       Km 35 (207): huyện lỵ Phú Xuyên. Phía tây huyện lỵ là làng Chương Mỹ, là gốc của nghề khảm xà  cừ. Tổ nghề khảm là ông Trương Công Thành (đời Lý) hiện còn được làng thờ phụng.

·       Km 37 (209): Cầu Guột

·       Km 41 (213): Cầu Giẽ bắc qua sông Nhuệ. Đây là địa danh đã đi vào bài ca “Hà Tây quê lụa” thời chống Mỹ. Đây cũng là quê hương của bài ca “Chiếc gậy Trường Sơn”. Đây là địa giới 2 tỉnh Hà Tây cũ và Hà Nam

2.     Tỉnh Hà Nam:

Hình ảnh có liên quan

Thành phố Phủ Lý

·       Từ km 215,5 đến 216 : sang địa phận của tỉnh Nam Hà

·       Km 48 (219): Thị trấn Đồng Văn, phía bên trái có đường qua sông Hồng để sang Hưng Yên. Đi 5 km là 2 quả núi Đọi Sơn và Điệp Sơn. Tại Đọi Sơn có chùa Diên Linh được xây từ thế kỷ XII dười thời nhà Lý

·       Km 53 (225) : thành phố Phủ Lý. Đây là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam, còn có tên là phố Châu Cầu, vì ở bên cạnh sông  Châu Giang. Phía bên trái, tại km 231 đường đi về thành phố Nam Định có đền thờ nàng Mị Ê, là cô gái dân tộc Chăm rất xinh đẹp, khi bị bắt đã tự tử tại đây để giữ trinh tiết. Khi đi qua cầu rẽ phải chính là đường 21A hướng Xuân Mai- Sơn Tây, nơi đây là quê hương của nhà thơ Nguyễn Khuyễn.

Kết quả hình ảnh cho sông Châu GIang Hà Nam

Sông Châu Giang

·       Km 62 (234) phía  bên phải: Kẻ Sở (Sở Kiện), có nhà thờ lớn. Phía sau Sở Kiện là dãy núi Thiên Kiện dài 12 km, cao 139m và có nhiều hang động kì thú.

·       Km 69 (241): bên sông Đáy là làng Nham Tràng, quê hương của Đinh Công Tráng, lãnh tụ đánh Pháp ở căn cứ Ba Đình, Thanh Hóa (1886- 1887)

·       Km 74 (246):  làng Bình Cách, hiện nay vẫn còn dấu vết thành Cổ Lộng của Mộc Thạnh- một vị tướng giỏi của nhà Minh, đã bị quân ta đánh tan (1408).

·       Km 79 (251): Đoan Vĩ, cầu Khuốt bắc trên sông Đáy. Đây là tiền đồn của Nguyễn Hữu Chỉnh chống lại Quang Trung đã bị vua Quang Trung ra Bắc Hà lần 2 diệt gọn.

Nơi đây có 2 quả núi tạo thành Kẽm Trống. Hồ Xuân Hương đã có bài thơ vịnh:

Hai bên thì núi, giữa thì sông

Có phải đây là Kẽm Trống không?

…………

Kể về câu chuyện vua Minh Mạng – khi xa giá ra Bắc. Thuyền lướt nhẹ gần đến Kẽm Trống thì có một người phụ tá đi cùng nhà Vua đọc bài thơ vịnh Kẽm Trống. Vua xấu hổ liền truyền lệnh cho thuyền tấp vào bờ và ông lên đi bộ qua Kẽm Trống rồi mới xuống thuyền đi tiếp.

Kết quả hình ảnh cho Kẽm trống

Danh thắng Kẽm Trống

Đi qua cầu, ở bên phải là dãy núi đá vôi, ở đó có hang Địch Lộng, ở đây có rất nhiều nhũ đá đẹp và còn được mệnh danh là  Nam Thiên Đệ Nhị Động (xếp sau động Hương Sơn). Đây đã sang đất của tỉnh Ninh Bình.

3.     Tỉnh Ninh Bình:

Kết quả hình ảnh cho sông Hoàng Long

Sông Hoàng Long

·       Km 83 (255): cầu Gián  Khẩu dài 204m bắc qua sông Hoàng Long. Theo chữ cổ thì Hoàng Long tức là Rồng Vàng, có thể kể câu chuyện về Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cho chú, sau đó đã giết trâu khao quân, khi bị chú đuổi đánh liền nhảy xuống sông thì đúng vào lưng con rồng vàng. Bên phải có đường đi Gia Viễn, Nho Quan vào vườn quốc gia Cúc Phương (khoảng 20 km).

Qua cầu, phía bên phải là  đường vào cố đô Hoa Lư (5,5km). Hiện còn 2 đền thờ của vua Đinh và vua Lê. Đây là kinh đô thứ 2 của nước ta (trước là thành Cổ Loa).

Kết quả hình ảnh cho Ninh BÌnh cố dô Hoa Lư

Đền thờ vua Đinh – Lê

Sở dĩ các vua Đinh Bộ Lĩnh và Lê Đại Hành lấy Hoa Lư (có nghĩa vùng này nhiều hoa lau) làm kinh đô là dựa vào thế hiểm yếu của dãy núi đá vôi Tam Điệp để dựa lưng, phía trước là đồng lầy, thế phòng ngự về quân sự thật không đâu bằng. Đi qua đây có thể kể về các truyền thuyết Đinh Bộ Lĩnh, về hành động gác việc riêng vì sự nghiệp chung.

·       Km 90 (262): làng Phúc Am, quê hương của Trương Hán Siêu – 1 vị tướng văn võ tài toàn của Trần Hưng Đạo, ông có bài phú “Bạch Đằng Giang” nổi tiếng, hiện nay vẫn còn lưu truyền trong thơ văn Việt Nam.

.        Km 91(263): Rẽ tay phải là đường vào chùa Bái Đính – Ngôi chùa nổi tiếng với nhiều kỉ lục nhất Đông Nam Á. Được đầu tư xây dựng bởi doanh nghiệp Xuân Trường. Cách đó không xa là thắng cảnh Tràng An – là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tràng An vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nay là cố đô Hoa Lư. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.

Kết quả hình ảnh cho Tràng An

Danh thắng Tràng An

Liên khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – cố đô Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An, vốn là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế

·       Km 93 (265): Thành phố Ninh Bình nằm bên sông Đáy và sông Vân, núi Thúy (còn gọi là núi Non Nước). Năm 1930 đã có cờ búa liềm treo trên cột đá. Đây cũng là nơi anh hùng quân đội Giáp Văn Khương cố thủ trên núi để án ngữ giặc cho cả đơn vị rút, chiến đấu đến khi hết đạn, anh đã nhảy từ trên đỉnh núi xuống sông và về căn cứ an toàn.

         Bên trái là núi Cánh Diều (Phi Diên) hay còn gọi núi Ngọc Mỹ Nhân nhìn từ xa giống hình một cô gái đang tọa ngửa giữa trời đất

Bởi quá yêu không thể nói thành lời

Em hóa đá để được nằm với đất

Tóc xõa ngực trần, tắm gió biển đông…

có nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc giúp ta. Qua cầu, nếu đi thẳng sẽ tới Kim Sơn- Phát Diệm.

Hình ảnh có liên quan

Núi Ngọc Mỹ Nhân (núi Cánh Diều)

.      Km 97 (269): Tam Cốc – Bích Động, còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như “vịnh Hạ Long trên cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động” là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải, Hoa LưNinh BìnhQuần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

·       Km 113 (285): Thành phố Tam Điệp, có tốc độ xây dựng nhanh 

.       Km 280,5: đi về phía bên phải là Quán Cháo (ngày nay đã xây dựng đẹp đẽ, nằm ở giữa thị xã). Truyền thuyết kể về một bà mẹ nghèo yêu nước nấu cháo cho quân Tây Sơn ăn lúc hành quân qua Tam Điệp về giải phóng Thăng Long (1789). Nhớ tới ơn đó, Nguyễn Huệ đã cho lập một đền nhỏ để thờ bà.

Đến thị xã, nếu rẽ trái đi thêm 3 km sẽ là đèo Ba Dội cũ, nơi có thơ của Hồ Xuân Hương:

Một đèo, một đèo lại một đèo

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

………

Câu ca cũ có viết:

Ai lên Quán Cháo Đồng Giao

Hồng hào để lại , xanh xao mang về

Trước kia đây là nơi rừng thiêng nước độc, ngày nay đã trở thành phố phường đông vui, sầm uất.

.        Km 283: phía bên phải là Đền Sòng thờ bà Liễu Hạnh, còn gọi là thánh Mẫu

·       Km 115 (287): đây là địa giới giữa Ninh Bình với Thanh Hóa. Chân đèo phía bên phải là đền Sòng, thờ bà Liễu Hạnh có tiếng là linh thiêng, hội diễn ra vào muà xuân hằng năm.


Còn tiếp…

 




Bài xem nhiều