Nét đẹp bình dị tại Bản Cát Cát

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 16648

 

Đến với Lào Cai, ghé thăm thị trấn Sapa, du khách không chỉ ấn tượng bởi khung cảnh núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp mà nơi đây còn níu chân du khách bởi những địa điểm du lịch rất thú vị và nổi tiếng như: thác Bạc, cầu Mây, đỉnh Phanxipang,… và đặc biệt là bản làng người dân tộc: Bản Cát Cát.

Sinh hoạt thường ngày của người dân trong bản

Cát Cát là một bản làng nhỏ nằm cách thị trấn Sapa chừng 2 km. Bản là nơi cư trú của đồng bào dân tộc H’Mông từ thế kỷ 19. Với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng với nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào H’Mông, Cát Cát ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lạ kỳ đối với khách du lịch đến Sapa.

Vẻ đẹp của bản Cát Cát từ trên cao

Tới thăm quan, du lịch tại bản Cát Cát, du khách sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động thường ngày của đồng bào nơi đây như trông lương thực, hoa màu hay săn bắn. Không những, nơi đây cũng là một trong những địa điểm lý tưởng mà bạn có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nối nhau đến tận chân trời.

Nghề dệt thổ cẩm của người phụ nữ H’Mông là một trong những nghề thủ công vô cùng độc đáo vẫn còn duy trì được cho đến ngày nay

Du lịch không chỉ là chiêm ngưỡng mà còn là trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa. Chẳng vì thế mà thị trấn Sapa nói chung và bản Cát Cát nói riêng ngày càng trở nên hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bởi, nơi đây không chỉ có cảnh đẹp mà còn có những nét văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào cư trú nơi đây, điển hình là văn hóa của đồng bào dân tộc H’Mông.

Ghé thăm bản Cát Cát, điều khiến du khách ấn tượng đầu tiên chính là nét đặc biệt trong kiến trúc của những ngôi nhà của người H’Mông. Những ngôi nhà được dựng lên bởi gỗ Pơ mu, đây là một loại gỗ rất quý và hiếm, thân rất chắc thích hợp cho việc dựng nhà. Các cột bên trong ngôi nhà đều được kê trên những phiến đá lớn, có tác dụng tránh mối mọt và ẩm thấp. Vách của ngôi nhà được làm nên bởi những tấm gỗ xẻ và được thiết kế đến 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa và 2 cửa phụ ở hai đầu hồi nhà. Cửa chính trong nhà không phải lúc  nào cũng được mở, chỉ khi trong nhà có việc trọng đại như tang ma, cưới hỏi thì cửa này mới được mở ra. Bên trong ngôi nhà cũng được chia thành khá nhiều không gian với công dụng khác nhau: gian tâm linh (đặt bàn thờ), nơi tiếp khách, gian nghỉ ngơi hay sàn gác chứa lương thực,…

Một góc trong căn nhà của người H’Mông tại bản Cát Cát

Đến Cát Cát vào những dịp xuân về, du khách còn có cơ hội trải nghiệm những nét độc đáo trong phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của người H’Mông. Trong các dịp có lễ, hội lớn, các cô gái H’Mông sẽ múa hát trong những nếp váy dập dìu, các chàng trai H’Mông say sưa bên những điệu khèn, chiếc đàn môi quen thuộc của đồng bào mình, tạo nên một không gian rất đẹp và cũng rất thanh bình.

Tưng bừng lễ hội Gầu Tào dịp đầu xuân mới.

 




Bài xem nhiều