Kỹ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong của phụ nữ H'Mông Hà Giang
Hà Giang- mảnh đất địa đầu cực bắc của Tổ quốc, một trong những nơi có địa hình phực tạp bậc nhất tại miền Bắc với những dãy núi cao ngang lưng trời, những thung lũng bị cắt xẻ bởi các con sông, con suối. Khí hậu nơi đây mang sắc thái của một vùng khí hậu ôn đới với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Do đây là vùng có điều kiện địa hình đa dạng với nhiều núi non hùng vĩ, đặc biệt là có đỉnh Tây Côn Lĩnh cao tới 2431 mét, vì vậy nơi đây trở thành địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán ở các vùng cao, trong đó nổi bật lên cũng nhưng chiếm phần lớn số dân cư sinh sống tại tỉnh Hà Giang chính là đồng bào dân tộc H’Mông.
Cũng giống nhưng nhiều tộc người khác cùng cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang như Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu,…, người H’Mông cũng mang trong mình nhưng nét đặc sắc về văn hóa tộc người mà khi nhìn vào đó, ta có thể dễ dàng phân biệt được những nét đặc trưng trong cộng đồng người dân tộc có nguồn gốc từ đất nước Trung Hoa này.
Sinh sống chủ yếu theo hình thức tự cấp, tự túc, đồng bào dân tộc H’Mông cũng như nhiều tộc người thiểu số khác, ngoài việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, đi rừng,… họ còn chú ý đến việc duy trì một số ngành nghề thủ công có các sản phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày của đồng bào. Trong số các ngành nghề thủ công này không thể không kể đến nghề dệt vải, đây được coi như một nghề hết sức phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đối với người H’Mông, kỹ thuật dệt vải của họ có những điểm khác hơn, lạ hơn, đặc biệt là họ có kỹ thuật tạo hoa văn trên nền vải bằng sáp ong vô cùng nổi bật.
Ngược lên Hà Giang vào những tháng cuối năm, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ H’Mông với đôi bàn tay dính màu chàm bởi công việc nhuộm vải, các cô gái đang chăm chú “múa bút” trên những tấm vải để tạo ra những đường nét hoa văn độc đáo. Phải tận mắt chứng kiến ta mới cảm nhận hết được sự phức tạp, khó khăn của kỹ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong cũng như càng khẳng định được sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay người phụ nữ đồng bào dân tộc H’Mông.
Người H’Mông sau khi kết thúc công việc mùa màng đồng áng sẽ bắt tay vào việc tước sợi dệt vải để tạo nên những bộ trang phục thật bắt mắt. Trừ người H’Mông Xanh là sử sụng sợi bong để dệt vải, các nhóm H’Mông còn lại sinh sống tại Việt Nam đều dệt vải bằng sợi lanh. Sau khi thu hoạch cây lanh từ ruộng về, người H’Mông ở Hà Giang sẽ thực hiện công việc tước vỏ cây để lấy sợi. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ bởi nếu không sợi lanh rất dễ bị đứt. Sau khi tước được vỏ ra khỏi thân cây lanh, người phụ nữ sẽ phơi khô và cho số vỏ cây đó vào cối giã dập để lớp vỏ ngoài nhanh chóng bong ra, các sợi lanh sẽ mềm và sơ hơn. Tiếp theo đó là công đoạn tước sợi, Người phụ nữ H’Mông rất khéo tay khi làm công việc này. Các sợi lanh tước ra không chỉ nhỏ mà còn rất đều, khi dệt tấm vải cho rất đẹp. Công việc nối sợi đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao, người phụ nữ H’Mông ở Hà Giang tranh thủ mọi lúc, mọi nơi chỉ cần là bàn tay không có việc gì sẽ không ngừng làm công việc nối sợi này. Sauk hi công đoạn nối sợi hoàn thành, người phụ nữ cho các cuộn lanh đã nối ngâm vào nước cho mềm ra, sau đó thì cho vào guồng quay lớn để quay thành sợi dệt. Sợi lanh sau khi được se đem luộc lên cùng với nước có hòa tro củi, sau khi sôi để 30 phút rồi vớt ra, ủ nilon qua 1 đêm. Công việc này nhằm cho sợi lanh có thể bong hết lớp vỏ cây ra, khiến cho sợi trở nên trắng hơn. Khi sợi lanh đã mỏng, mềm, dẻo thì người ta bắt đầu tiến hành dệt vải.
Đối với dân tộc H’Mông, đặc biệt là đối với người phụ nữ H’Mông Hoa, chỉ dệt nên một tấm vải thôi vẫn chưa đủ để đánh giá tài năng, sự khéo léo cũng như tỉ mỉ của họ. Phải nhìn vào đôi bàn tay khi đang cẩn trọng tạo từng nét bút trên nền vải để hình thành nên những hoa văn đẹp mắt ta mới thấy hết được tinh hoa trong kỹ thuật tạo hình độc đáo này.
Hoa văn trên vải của người H’Mông thật sự như đang muốn kể lại những câu chuyện về thế giới quan, về thiên nhiên của vùng sơn cước với đầy những hình ảnh tươi vui, sống động. Những đường nét hoa văn của họ mang tính thẩm mỹ rất cao, các hoa văn trang trí hầu hết đều mang tính chất độc bản. Do quá trình trao truyền nghề qua mỗi thế hệ mà những tạo hình trên nền vải của người phụ nữ H’Mông cứ dần hoàn thiện hơn theo thời gian.
Kỹ thuật để tạo hoa văn trên vải tuy là đa dạng, song đối với phụ nữ H’Mông, đặc biệt là các nhóm sống ở các vùng cao như Hà Giang chủ yếu sự dụng kỹ thuật Batik, hay nói cách khác là tạo hoa văn bằng sáp ong. Đối với kỹ thuật này, người phụ nữ H’Mông sẽ trực tiếp tạo trên nền vải mộc, chưa nhuộm chàm. Người ta sẽ hòa sáp ong cùng với nến trong một cái nồi và để trên chậu than để giữ cho sáp ong luôn ở trạng thái lỏng. Người H’Mông sử dụng loại bút đặc biệt để vẽ hoa văn trang trí. Đó là bút cán gỗ có ngòi là một lá đồng nhỏ hình tam giác. Người phụ nữ sẽ dùng chiếc bút này nhúng vào sáp đã nóng chảy rồi vẽ trực tiếp lên tấm vải lanh. Cách vẽ này đòi hỏi phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và luôn tập trung cao độ. Ngoài ra, trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con người cũng phải được phát huy tối đa.. Khi sáp đã được vẽ lên vải, người phụ nữ sẽ không thể thay đổi hình đã vẽ nữa, khi mang vải đã vẽ xong đi nhuộm, lớp sáp sẽ bong ra, lúc này ta mới có thể nhìn thấy các hoa văn được tạo nên trước đó.