Hà Nội - Những gánh hàng rong
Nếu hỏi bất kì ai rằng điều gì tạo nên nét riêng của Hà Nội mang lại màu sắc cho mảnh đất kinh kì này thì có lẽ, đó không phải là những gì to lớn, nguy nga, mà là những gì xưa cũ, bình dị, như hơi thở cuộc sống. Đã từ rất lâu, hình ảnh những gánh hàng chở đầy hoa đã trở nên gần gũi, quen thuộc với Hà Nội. Những gánh hoa ấy cứ rong ruổi khắp mọi nẻo đường, từ phố lớn, đến ngõ nhỏ, không kể ngày nắng, hay ngày mưa, bốn mùa đều như thế.
Ngày nay, khi mà nhà hàng sang trọng, các quán cà phê với đủ các loại đèn mọc lên như nấm giữa thành phố nhộn nhịp, xô bồ này, những gánh hàng rong như sợi xích của thời gian lưu giữ lại những nếp văn hóa thắm đượm cái tình, cái hồn của người Việt ở chốn Kinh Kỳ.
Hàng rong như một nét văn hóa mang đặc trưng của người Hà Nội. Và, hiếm khi có một thủ đô nào trên thế giới, người ta bắt gặp hình ảnh các chị, các cô gánh gánh gồng gồng bán hàng trên đường phố, dù nắng hay mưa bước chân vẫn luôn bền bỉ. Mỗi một con đường, góc phố của Hà Nội đều ghi dấu bước chân của họ. Những ai đã từng lang thang với phố phường Hà Nội, đi sâu vào trong ngõ ngách, ghé vào những quán cóc vỉa hè để nhâm nhi ly trà đá, trà chanh rồi có lần lại lặng mình trong tiếng rao hàng rong vẳng lên trong đêm tĩnh mịch … có lẽ mới cảm hết được cái hồn của thủ đô. Hàng rong từ bao đời nay đã trở thành một nét riêng vốn có của văn hóa thủ đô ngàn năm văn hiến.
Hà Nội có đủ loại hàng rong, hàng quà dạo trên mỗi phố, nhất là khu phố cổ. Ở đó các bà, các chị kinh doanh, buôn bán có thể mua bó hoa, cân quả, mớ rau hay chút cốm… mà không phải ra chợ, chẳng phải đi đâu. Hình ảnh các bà, các chị bên gánh hàng hoa đủ màu sắc thấp thoáng nơi những con phố với dòng người tấp nập lại qua đã làm góc phố thủ đô trở nên thật dịu dàng, duyên mà thắm. Hà Nội đẹp bởi những hình ảnh bình dị và quen thuộc ấy. Hàng rong Hà Nội cũng có mặt trong những bài hát, câu thơ đi cùng năm tháng. Đối với du khách nước ngoài, một trong những điều ấn tượng của Hà Nội với họ là hàng rong. Họ say mê chụp ảnh, quay phim và quan sát về hàng rong. Hà Nội trên các tạp chí nước ngoài có rất nhiều hình ảnh những người bán hàng rong, người ăn quà bên hàng rong, đối với họ, hình ảnh đó rất bình yên, rất Việt Nam, rất Hà Nội. Từ năm 1930 đến 1945, cùng với con sen, thằng xe, cơm đầu ghế… hàng rong cũng là đối tượng phản ánh của các nhà văn hiện thực phê phán. Báo “Trung Bắc tân văn” đã đăng truyện ngắn “Hạt ngọc trên phố” của Vũ Sang kể về một bà đầm già ở khu phố nam Hồ Gươm mê món cốm Vòng. Cứ vào mùa, ngày nào bà ta cũng sai con sen gọi cô bán cốm rong đến nhà… Rồi đến cuốn “Đi dọc Hà Nội”, Nguyễn Ngọc Tiến đã lí giải “vỉa hè đúng nghĩa là nơi kiếm sống, đông đúc như Kẻ Chợ xưa”. Sáng ra là chỗ các bà, các chị ở Hoàng Mai bán xôi xéo, xôi ngô, chị em Thịnh Liệt bán bánh cuốn Thanh Trì, rồi phở gánh, bún mọc. Hết quà sáng là đến rau, quả và quà vặt. Trưa là chè, rượu nếp và mùa hè bán cháo đậu xanh, cháo hoa, chiều lại bán rau quả, thịt thà, đậu phụ hay bia hơi. Chợ vỉa hè tiện cho mỗi người vì không phải gửi xe chỉ ghé vào là mua và không phải đóng thuế nên cũng rẻ hơn đôi chút so với các chợ có tên tuổi. Chính vì vậy mà hàng rong sẽ chẳng thể thiếu được với người Hà Nội và cũng là hình ảnh gần gũi, luôn in đậm trong trái tim du khách nước ngoài khi nhớ về Hà Nội.
Hàng rong vẫn còn có những sự phiền lòng về nó, nhưng hàng rong vẫn xứng đáng được bảo tồn gìn giữ những nét đẹp khi đã gắn liền với những bức tranh dung dị của cuộc sống, của thói quen sinh hoạt thường nhật của con người nơi đây, gắn liền với văn hóa thủ đô. Không thể nói hàng rong là tốt hay xấu, hay hay dở. Đây cũng là một nghề, một công việc mưu sinh như bao nghề khác. Người ta đi bán hàng rong, vì vốn ít, vì sản phẩm chưa có thương hiệu và cũng không có tiền quảng cáo. Bán hàng rong lãi không nhiều, trông cậy cả vào ông trời, ngày nào may thì bán hết nhanh, nhưng có ngày mang đi bằng nào mang về nguyên bằng đó. Ở Hà Nội có quá nhiều người như thế. Họ thực sự vất vả, ko biết kiếm được bao nhiêu nhưng hàng ngày cứ phải lăn lội ngoài đường.
“ Nóng em hắt ngược sang tôi
Đôi quang gánh cả nắng trời buổi trưa
Người ta mua bán, bán mua
Em đi buôn cả nắng mưa của trời”.
Đi trên phố Hà Nội bây giờ, gánh hàng rong đang dần khuất bóng. Thật tiếc nếu chúng biến mất khỏi Hà Nội 36 phố phường. Sẽ ra sao nếu như mai này, trên đường phố vắng một tiếng rao đêm, vắng bóng người con gái quê mảnh mai với chiếc đòn gánh cong cong hai đầu như vành trăng khuyết, những con người luôn âm thầm lặng lẽ đem bốn mùa đến cho mọi người, mọi nhà?