Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam- Phần hai (Hình thái kinh tế)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 69092

Khi đến Việt Nam, người Thái đã biết làm ruộng nước. Nước là yếu tố quan trọng trong việc trồng lúa, cần quanh vụ và khi có nước mới bắt đầu cày cấy được. Đồng bào đã pải bỏ nhiều công sức để hoàn thiện hệ thống thủy nông thích hợp với việc trồng lúa ở những thung lũng chạy dọc theo các con suối và khai phá thêm ruộng đồng. Nhiều đoạn trong các sách sử và chuyện kể của người Thái đã ghi lại việc khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác ở những vùng ven sông Đà từ Quỳnh Nhai, qua Thuận Châu, Mường La đến Phù Yên (Sơn La, vùng Mường Lay, Mường Thanh, Than Uyên (Lai Châu), vùng Mường Lò, Mường Cha (Nghĩa Lộ), vùng Mường Hạ, Mường Pa (Mai Châu), vùng Mường Khoòng(Thanh Hóa),….Qua nhiều thế hệ, người Thái đã có nhiều sáng kiến tạo ra những công trình thủy lợi thích hợp với địa thế ruộng đất. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc đào mương, đắp phai, bắc ống dẫn nước về ruộng, cũng như trong việc sử dụng một cách phổ biến và rất tài tình chiếc cọn nước, một thứ máy móc giản đơn nhưng lai có tác dụng rất nước vào các ruộng trên cao.

Hệ thống cọn nước của người Thái vùng Tây Bắc.

Cũng đã từ lâu, người Thái đã biết dùng cày và sức kéo vào việc canh tác. Có giả thiết cho tên tự gọi của đồng bào Tày, chính là tên tự giới thiệu với các cư dân khác tộc mình là người cày ruộng. Tuy nhiên, ở một số nơi, trước cách mạng tháng 8 vẫn chưa dùng cày, vẫn canh tác theo lối “hỏa canh thủy nậu”. Có nghĩa là, đồng bào sẽ đốt rơm, rạ, cỏ ở trên đồng ruộng sau đó tháo nước vào cho trâu quần sục bùn hoặc bừa thảng không cần cày bằng bừ răng gỗ, sau đó là cấy lúa. Lối canh tác này thích hợp với tính chất đất đai ở một số thửa ruộng miền núi mà ở đây nếu dùng bừa hay cày sâu quá trong khi lớp đất màu rất xốp và mỏng chỉ có ở phía trên sẽ làm hỏng đất. Nó chỉ thích hợp khi việc bón phân chưa diễn ra. Việc sử dụng phân bón từ phân chuồng, phân bắc, phân xanh cho đến phân hóa học là một biến đổi lớn trong sinh hoạt sản xuất của đồng bào từ sau ngày giải phóng.

Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam- Phần hai (Hình thái kinh tế)

Đàn trâu của người Thái như những “chiến binh”, dùng sức của mình để quần cho mềm đất trên ruộng, cây lúa cũng vì thế mà phát triển tốt hơn, đồng bào nhờ thế mà cơm no, áo ấm. (Ảnh minh họa)

Trước kia, việc gieo mạ và làm mạ có nhiều cách khác nhau và rất đáng lưu ý. Đồng bào thường ngâm giống vào nước ấm và cứ 20 kg giống lại hòa vào đó 1 lạng muối. Khi hạt mọc mầm, đem gieo vào ruộng mạ. Cách gieo có nơi khác ở miền xuôi, đồng bào lại gieo mạ vào ruộng còn đầy nước. Khi tháo nước, cây mạ đã lên cao được hai đốt ngón tay. Khi mạ cao 20- 25 cm, đồng bào nhổ lên, cấy dày vào thửa ruộng mạ khác, và khi cây lúa đã trở nên cứng cáp, lúc đó người ta mới nhổ lên và đem cấy vào ruộng. Cách cấy chuyển qua hai thửa ruộng mạ, theo quan niệm của đồng bào sẽ làm cây lúa khỏe, mọc nhanh.

Cánh đồng lúa xanh mướt của người Thái đang thì con gái.

Nói chung trước đây, lúa chỉ cấy một vụ, rất ít nơi hai vụ. hiện nay, lúa được cấy hai vụ khá là phổ biến. Những giống mới được đem về trồng cho năng suất cao.

Trước đây, ruộng chỉ cung cấp cho cư dân người Thái một số lượng lương thực hàng năm và cũng không thật đầy đủ để nuôi người và gia súc. Đó là không kể còn có một bộ phận không nhỏ người Thái chỉ sống nhờ vào nương rẫy. Nương nhằm cung cấ một số lượng lương thực nhất định: lúa, ngô, khoai, sắn,.. và một số sản phẩm khác như vừng, lạc, bầu, bí,… dùng làm thức ăn; bong, chàm để đáp ứng nhu cầu về quần áo, chăn, đệm,… Bên cạnh ruộng, nương trở thành một tư liệu sản xuất không thể thiếu được của đồng bào. Nương Thái có 2 loại: nương hay rẫy như nương lúa, ngô, khoai,.. cứ làm 2, 3 năm lại phải bỏ hóa, thường đi đôi với công cụ là gạy chọc lỗ hay cuốc. Nương trồng bong, chàm đã được bón xới kỹ, có nơi còn có bón lót, cày ải. Loại nương này đã bắt đầu được thâm canh nhưng chưa đến mức chuyển hóa thành ruộng hay thành vườn được. Nương rau cũng ở tình trạng này. Trước cách mạng, ở vùng Thái, hiếm thấy có những mảnh vườn rau như ở dưới xuôi. Ngược lại, nhà nào cũng có một loại “vườn treo” dùng để trồng một vài khóm hành hay các cây làm đồ gia vị. Đó là những máng gỗ đựng đất đặt ở sàn phía sau nhà.

Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam- Phần hai (Hình thái kinh tế)

Đồng bào Thái đang thu hoạch một vụ hoa màu. (Ảnh minh họa)

Sau ngày giải phóng, việc trồng lúa có năng suất cao hơn là nhờ tiếp thu những kỹ thuật và phương pháp canh tác mới. “nước, phân, cần, giống” được chú trọng và được giải quyết tùy theo từng địa phương với sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Đã xuất hiện những công cụ cải tiến, những máy móc nông nghiệp cày, bừa, máy bơm nước, những công trình thủy nông loại nhỏ hay vừa…. Đất được khai thác mạnh hơn nhờ làm thủy lợi, bỏ phân tro, tăng diện tích, tăng vụ. Sản lượng lúa có nơi đã đạt 4 tấn/ ha, trung bình 2-3 tấn/ ha.

Nhờ ruộng đất, đời sống cư dân người Thái có phần sung túc hơn các cư dân quanh vùng. Song họ vẫn chưa thoát được cảnh tháng 3 ngày 8, những năm đói kém do hạn hán, lũ lụt gây ra. Họ không bị chết đói là do có rừng bao quanh có khả năng cung cấp cho họ những thứ củ hoặc thân cây có chất bột. Thêm nữa, từng mùa, rừng cung cấp các loại rau, quả dại, nấm, mộc nhĩ, măng , rêu đá và các loại trùng. Dưới khe suối lại cung cấp tôm, cua, ốc, cá nhỏ,…. Những thứ ấy tham gia thường xuyên vào các bữa ăn hàng ngày của đồng bào. Do vậy, hái lượm vẫn đóng một vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân này.

Rừng còn cung cấp nguyên vật liệu cho đồng bào để dựng nhà, đan lát đồ dùng, dụng cụ, cung cấp củi đun, dầu thắp sáng, những cây thuốc và những lâm thổ sản quý. Hiện nay, do chính sách thu mua lâm thổ sản và khuyến khích việc khai thác cũng như trồng rừng, có những hợp tác xã đã thu thập được những món tiền lớn, góp phần nâng cao đời sống xã viên.

Trong rừng, các loại chim thú là đối tượng săn bắn của đồng bào. Tuy nhiên, nghề này không chiếm vị trí quan trọng vì ở rừng nhệt đới, thú dù có nhiều đến đâu cũng không thể cung cấp lượng thịt thường xuyên và cần thiết cho đồng bào. Hơn nữa, là cư dân trồng trọt, người Thái chỉ săn bắn khi nhàn rỗi và với mục đích bảo vệ mùa màng. Săn có nhiều loại từ lối săn tập thể có tính sơ khai, như lối săn đón, vây ráp để xua thú ngã xuống khe hay để người đón bắt, hoặc để thú xô vào lưới đã giăng sẵn cho đến cách săn cá nhân bằng nỏ, súng hỏa mai. Đồng bào cũng săn bằng bẫy, nhưng ít phổ biến hơn các cư dân trên rẻo cao, vì đi đôi với việc chăn nuôi thả rông, bẫy đôi khi lại có tác dụng ngược lại. Tên tẩm thuốc độc cũng rất ít nơi biết dùng.

Trái với săn bắn, nghề đánh cá ở đồng bào Thái lại phát triển hơn. “Pây kin pa, má kin lẩu” có nghĩa đi ăn cá, về uống rượu là câu nói cửa miệng của đồng bào. Cá là món ăn thường thấy trong bữa cơm thường ngày và là món không thể thiếu được trên mâm lễ và khi nhà có khách khứa. Do vậy, ngoài việc nuôi cá ruộng tài tình và phổ biến, hàng năm có thể cung cấp cho mỗi gia đình hàng tạ cá để làm mắm, sấy khô, các con sông, con suối chảy qua bản cũng là nguồn cung cấp cá thường xuyên của đồng bào. Dụng cụ đánh bắt cá phổ biến chính là chiếc chài, hầu hết mỗi gia đình người Thái đều có một chiếc. Ngoài ra, còn có các dụng cụ khác cũng khá phổ biến như đơm, đó… Đặc biệt, khi đến mùa lũ, người Thái có có cách làm chặng. Suối được ngăn lại, hướn dòng nước chỉ chảy vào một chiếc cầu tre, một đầu được nâng cao cho nước không chảy tới. Đến đầu chặng, cá bị mắc cạn không ra được. Nếu chặng to, mỗi mùa nước có thể thu được hàng chục tạ cá.

Trừ những ngày đánh cá tập thể toàn mường hay toàn bản được tổ chức vào những dịp có liên quan đến tôn giáo, người dân dùng lưới quây, duốc cá, làm chặng,..hay đánh cá cá nhân đều được hưởng cá bắt được, không phải chia cho bọn thống trị. Tuy nhiên, có những nơi, chúa đất cũng chiếm riêng những khúc sông lắm cá, những hang nhiều tôm, cũng như chiếm các hang don, tổ ong, các khu rừng thú hay về.

Rừng không chỉ là nơi dự trữ, cung cấp lương thực, nguyên liệu, là đất để săn bắn mà còn là nơi chăn gia súc. Ở đây, ít có những đồng cỏ lớn. Nhưng ở từng địa phương, người Thái vẫn tìm được cho mình những chỗ có thể thả rông trâu bò trong những thời điểm không sử dụng chúng vào công việc sản xuất. Xưa kia, mỗi bản hay những bản cạnh nhau thường khoanh một vùng, thường là một thung lũng hẹp kín, gọi là púng. Púng thường chỉ có một lối ra vào. Còn chỗ nào hở, trâu có thể chui qua được phải rào kín lại. Trâu ở đây sống thành từng bầy, tự bảo vệ nhau chống thú rừng. Ở một số nơi như Điện Biên hay khu vực sông Mã, đàn trâu có đến hàng trăm con.

Việc thả rông trâu bò ngày nay đã không còn thích hợp do đồng bào Thái đã cấy cày vụ này tiếp nối vụ khác. Các hợp tác xã đã có các kế hoạch trong việc xây dựng chuồng trại và chăn dắt.

Đồng bào Thái cũng chú ý đến việc chăn nuôi gia cầm  và lợn để dùng vào những dịp tế lễ, cúng bái hay khi nhà có khách và để nộp quan, nộp chúa. Mỡ lợn luôn được dự trữ quanh năm.

Các nghề tủ công người Thái chưa tách khỏi nông nghiệp và chỉ có thể coi là nghề phụ gia đình. Có thể nói, phụ nữ Thái là những thợ dệt chăm chỉ, lành nghề, sản xuất không chỉ đủ chăn, màn, quần áo cho gia đình mà còn có thể đem đi trao đổi. Người Thái rất nổi tiếng với những tấm thổ cẩm được dệt tinh xảo với những mô típ hoa văn hình thú, chim, cây cối. Đôi nơi, họ còn có khả năng dệt được những hình lãnh tụ nhiều màu. Nghề đan lát lại là công việc của đàn ông. Họ chỉ đan lát những mặt hàng thô để sử dụng hàng ngày.

Bản người Thái có rất ít lò gốm, nơi làm vại, làm nồi, với chiếc bàn xoay thô sơ, năng suất thấp. Người nông dân Thái kiêm làm đồ gốm này chỉ nhận hàng đặt và sản xuất vào những tháng nông nhàn. Chỉ có một số ít người biết làm nghề bạc, nghề rèn.

Trong một xã hội hầu như không có chợ búa, việc trao đổi hàng hóa thường chỉ hạn chế vào một số nhu yếu phẩm và chủ yếu vẫn là dưới hình thức hàng đổi hàng với những cư dân khác tộc ở rẻo giữa và rẻo cao. Thi thoảng, có những chuyến hàng ngược sông hay những đoàn bò, ngựa của các thương nhân người Lào, người Campuchia đem các nhu yếu phẩm đến bán hoặc trao đổi lấy những sản phẩm địa phương. Một vài địa điểm vùng ven biên giới, chợ được tổ chức định kỳ. Dưới thời Pháp thuộc, nảy sinh hình thức độc quyền buôn bán của một số chúa đất. Nhưng khi cách mạng thành công, hình thức độc quyền này đã tự tan vỡ và nhanh chóng nhường chỗ cho hình thức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa với những cửa hàng mậu dịch quốc doanh, những trạm thu mua và những hợp tác xã mua bán.

 

 




Bài xem nhiều