Đặc Trưng văn hóa dân tộc Dao- Phần 3 (Thôn xóm và nhà ở)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 154685

Ở người Dao có 2 loại hình thôn xóm là thôn xóm cư trú phân tán và thôn xóm cư trú tập trung.

         Thôn xóm cư trú phân tán phổ biến ở nhữn nhóm Dao chuyên sống bằng nương rẫy du canh. Mỗi thôn chỉ có khoảng 5- 7 nóc nhà. Nhà nọ cách nhà kia khá xa, có khi tới 3- 4 km, vì nhà ở phải chạy theo nương rẫy. Kiểu thôn xóm này chỉ là kiểu kết hợp tạm bợ, số nhà trong thôn tăng giảm thất thường. Ngày nay với loại hình thôn xóm này đã có nhiều trở ngại tới phong trào tổ chức sản xuất tập thể, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa mới.

         Thôn xóm cư trú tập trung phần lớn ở những người Dao đã định canh định cư hoặc luân canh định cư. Thôn xóm thường được thiết lập trên sườn đồi, gần suối nước hoặc nơi có nhiều điều kiện dẫn nước về tân nhà. Mỗi thôn có khoảng vài ba chục nóc nhà, nhà nọ liền kề với nhà kia, kiểu thôn xóm này có nhiều thuận tiện cho lối làm ăn tập thể. Song cũng có nhược điểm là không đảm bảo được vệ sinh chung, hạn chế việc chăn nuôi gia súc và trồng rau.

Về nhà ở có nhiều cách phân loại khác nhau như: hình thù của mái, chất liệu xây dựng, chức năng của ngôi nhà,… Với nhà của người Dao, chúng tôi căn cứ vào đặc điểm của mặt bằng mà con người sinh hoạt chủ yếu trên đó để phân loại, thì thấy có ba loại hình khác nhau: nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất và nhà sàn. Nguyên vật liệu để làm nhà thường kiếm được ngay tại chỗ: gỗ, các loại tre, dây rừng, lá gồi, cỏ tranh,… Làm nhà chỉ cần cái rìu và con dao tay; nếu làm nhà có lỗ đục và mộng thì phải có thêm cưa, bào và các loại đục. Người Dao không có thợ làm nhà chuyên nghiệp mà mọi người trong thôn xóm đều có thể làm được, kể cả phụ nữ. Phụ nữ Dao tiền cũng biết đẽo rìu, cưa, bào đục như đàn ông. Trong việc làm nhà, người Dao đã có tập quán làm giúp hoặc góp thêm nguyên vật liệu, do đó công việc được tiến hành rất nhanh chóng.

         Loại hình nhà đất. Có thể từ rất lâu, người Dao đã ở nhà đất. Người ta cho rằng có ở nhà nền đất mới có chỗ để cúng Bàn Vương. Nhà nền đất phổ biến ở những người Dao đã định canh định cư hoặc luân canh định cư, ngay cả những người Dao chuyên làm ruộng nước.

Bộ sườn của nhà được cấu tạo khá giản đơn, thường mỗi vì kèo chỉ có hai hoặc ba cột, một quá giang và một bộ kèo đơn.

Nhà thường 3 hoặc 5 gian đứng (không có chái).

         Loại hình nhà nửa sàn- nửa đất. Loại hình này phần nhiều ở những nhóm Dao sống bằng nương rẫy du canh, thường sống trên những nền đất dốc. Như đã biết, nương rẫy chỉ làm được 2-3 vụ là phải bỏ đi khai phá nơi khác, khi nào nương quá xa nhà ở, nhà phải chuyển theo nương. Nhà đối với cư dân này chỉ là một phương tiện cư trú tạm thời. Người ta không cần bỏ ra nhiều công sức để san nền, do đó loại hình nhà nửa sàn nửa đất đã ra đời.

Sườn nhà loại này còn đơn giản hơn cả nhà nền đất. Mỗi vì cũng có hai cột nhưng là cột ngoãm. Cột, quá giang, kèo đều được buộc gá vào nhau bằng dây rừng.

         Loại hình nhà sàn. Loại hình nàu phổ biến ở những người Dao đã làm ruộng nước và sống gần người Tày, Nùng hoặc người Việt. Tuy nhiên chúng ta còn thấy ở những người Dao chuyên làm rẫy như: Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Slán chỉ (Bắc Kạn). Nhà được cất trên các gò đất thấp, dưới chân núi, trong các thung lũng gần ruộng nước. Cách cấu tạo bộ sườn cũng có khác nhau giữa một số nhóm. Bộ sườn nhà Dao Quần trắng giống bộ sườn nhà của người Tày hay người Việt cùng địa phương. Bộ sườn nhà Dao Thanh Y hay Dao áo dài lại phát triển từ bộ sườn của ngôi nhà nền đất.

Với loại hình nhà nền đất của người Dao được xem như là loại nhà ở đã có tính chất bền vững, thích hợp với điều kiện sản xuất tương đối ổn định ở miền rừng núi và còn là loại nhà tổng hợp (không có hoặc ít các kiến trúc phụ thuộc).

Nhà nửa sàn nửa đất không phải là một bước phát triển của loại hình nhà nền đất mà là biến dạng của nhà nền đất để thích ứng với điều kiện sản xuất du canh và cư trú trên đất dốc.

Nhà sàn của người Dao từ cấu trúc bộ sườn cho đến cách bố trí bên trong đã có những nét tương tự như nhà người Tày hay người Nùng cùng địa phương, xa dần loại hình nhà nền đất. Điều đó chứng tỏ một số người Dao làm ruộng nước sống gần gũi lâu ngày với người Tày, Nùng hoặc người Việt nên đã có sự trao đổi, ảnh hưởng lẫn nhau trong việc kiến thiết nhà cửa.

Mặc dù có 3 loại hình nhà ở khác nhau nhưng vẫn có thể nhận ra được những nét chung: đó là vị trí và cách bố trí bên trong của một “gian đặc biệt” trong ngôi nhà. Gian này thường có vách chắn theo chiều dọc của nhà và có một đoạn vách ngăn giữa nó với gian bên. Ở góc nhỏ này có bàn thờ. Sau đoạn vách ngăn dọc là một buồng nhỏ thường để rượu hay thịt ướp chua. Có thể nói cách bố trí của gian này là một đặc trưng của nhà người Dao ở nước ta.

https://viettourist.vn/ha-giang-thien-duong-tam-giac-mach-3n-p29.html

 




Bài xem nhiều