Các di tích nổi tiếng tại tỉnh Thái Nguyên - Du lịch Thái Nguyên (3)

04/04/2017 22:08 +07 - Lượt xem: 38813

Tiếp tục với những di tích lịch nổi tiếng, mang ý nghĩa lịch sử to lớn tại mảnh đất miền núi và trung du của miền Bắc nước ta, mảnh đất Thái Nguyên.

Nhắc đến Thái Nguyên, người ta sẽ nghĩ ngay đến một mảnh đất với nhũng chiến tích lịch sử hào hùng,thiêng liêng.

 

1.Di tích lịch sử Khuân Mánh

Rừng Khuân Mánh thuộc xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, cách thành phố Thái Nguyên 50km về phía Đông Bắc. Đây là nơi ra đời trung đội Cứu quốc quân II, một tổ chức đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam.

Khu di tích lịch sử Khuân Mánh

Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về bảo toàn và tiếp tục củng cố lực lượng, ngày 15/9/1941 thay mặt thường vụ Trung ương Đảng, ông Hoàng Quốc Việt đã đến căn cứ chứng kiến lễ thành lập và trao nhiệm vụ cho đội Cứu quốc quân II. Ông Chu Văn Tấn là chỉ huy trưởng, ông Nguyễn Văn Phấn làm chỉ huy phó. Lúc đầu trung đội có 36 người (3 nữ) sau đó lên 46 người. Trang bị vũ khí thô sơ, chủ yếu là súng kíp và giáo mác….

Sau lễ thành lập, trung đội bắt tay vào xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân, đẩy mạnh hoạt động du kích ở vùng Tràng Xá, Đình Cả gây cho địch nhiều tổn thất. Tháng 11/ 1944 đã diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt giữa đội Cứu quốc quân II, nhân dân địa phương với quân đội Pháp tại cầu Đông Thu, đèo Khế, gốc đa La Hán, núi Đá Đỏ, hang Mỏ Gà,… 

Các địa danh này vẫn lưu dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Võ Nhai hồi đó.

2. Di tích lịch sử Căng Bá Vân

Di tích thuộc địa phận xã Bình Sơn, thị xã Sông Công là nơi thực dân Pháp xây dựng thành nhà tù để giam giữ và tra khảo các chiến sĩ cộng sản. Tại đây, hơn 200 người mà thực dân Pháp coi là những phần tử cộng sản nguy hiểm từ các tỉnh bị tập trung giam giữ. Tại nơi đây, những người cộng sản vẫn cho ra đời tờ báo “Sông Công” phản ánh tình hình sinh hoạt nội bộ, diễn biến tình hình trong nước và thế giới.

Tháng 7 năm 1944, chi bộ Căng Bá Vân bí mật họp bàn thực hiện nghị quyết của Xứ ủy, trong đó có việc  đưa một số đồng chí ra khỏi Căng, bổ sung cho phong trào cách mạng đang sôi sục ở bên ngoài. Ngày 21/8/1944, tám đnagr viên Đảng cộng sản đã bí mật vượt Căng an toàn, đó là các đồng chí Trần Kiên, Khoát Hổ, Phạm Bá Thoan, Hà Kế Tấn, Hoàng Đức Viên, Nguyễn Danh Đích, Nông Văn Đô, Bùi Văn Hách.

Sau thất bại này, thực dân Pháp giải tán Căng vào tháng 10 năm 1944 và chuyển số tù nhân còn lại về các nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ.

3. Di tích lịch sử nhà tù Chợ Chu

Nhà tù Chợ Chu do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1916 để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng. Từ năm 1933, chúng đã giam cầm ở đây những người chiến sĩ cộng sản đưa từ nhà tù Sơn La và một số nơi khác. Năm 1940 sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, thực dân Pháp đã bắt nhiều gia đình, vợ con của các chiến sĩ khởi nghĩa ở đây về giam giữ. Năm 1943, chúng tiếp tục đưa gần 100 chính trị phạm từ các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên về nhà tù Chợ Chu, là một trại giam lớn và kiên cố của thực dân Pháp. Nhưng trong tù, các chiến sĩ vẫn có tổ chức chi bộ Đảng hoạt động bí mật. Ngày 2/10/1944 dưới sự chỉ đạo của Trung ương và xứ ủy Bắc kỳ, các chiến sĩ cách mạng đã tổ chức cho 12 đồng chí vượt ngục thành công. Đó là các đồng chí Song Hào, Nhị Qúy, Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Phạm Ngọc Bảy, Vũ Phong, Chu Nhữ, Hoàng Bá Sơn, Lê Cung Đình, Nguyễn Cao, Trần Tùng, Trần Thị Môn.

Di tích nhà tù Chợ Chu còn tương đối nguyên vẹn, có giá trị nghiên cứu, tham quan, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

 




Bài xem nhiều