Lăng tẩm tại kinh thành Huế khi xưa hầu hết đều được xây về hướng tây nam, kết cấu lăng thường có hai phần; Phần thờ phục tưởng niệm (tẩm) và khu phần mộ (lăng). Bên cạnh những hạng mục công trình chủ yếu, có lăng còn thiết kế hồ sen, núi giả, vườn hoa, cây cảnh, đồi thông, cầu quán,.. tạo nên cụm kiến trúc gắn bó hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Bao quanh mỗi khu lăng tẩm thường có tường bao. Lăng các vua triều Nguyễn rất đa dạng về kiến trúc, điều đó phần nào phản ánh được tư tưởng, quan điểm, thẩm mỹ, cá tính, thị hiếu của từng vị vua đương thời.
Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
Lăng được khởi công xây dựng từ năm 1920 đến năm 1931, trên đỉnh núi Châu Ê, cách Huế 10km. Nếu các lăng khác được dựng trên một vùng núi non trùng điệp diện tích nhiều hecta, thì lăng Khải Định như một tòa lâu đài đồ sộ xây bên triền núi. Từ dưới chân núi lên tới tẩm điện qua 109 bậc.
Lăng Khải Định
Vật liệu xây dựng lăng Khải Định chủ yếu là sắt thép, bê tông và sành sứ. Nét đặc trưng trong lăng Khải Định chính là kỹ thuật khảm sành, sứ và sự kết hợp hoàn hảo giữa hai nền kiến trúc phương Đông và phương Tây.
Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)
Lăng Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị được xây dựng vào ngày 11/2/1843 và được hoàn thành trong vòng 10 tháng, tại làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành chừng 8km. Lăng Thiệu Trị có sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc riêng của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng. Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng là không có La Thành, lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng toại đạo, Bửu Thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước.
Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng)
Lăng Đồng Khánh tọa lạc tại thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế. Qúa trình xây lăng Đồng Khánh diễn ra qua 4 đời vua (1888 – 1923) vì vậy lăng Đồng Khánh vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Lăng Đồng Khánh.
Ở khu tẩm điện, các công trình vẫn mang lối kiến trúc xưa “trùng thiềm điệp ốc”. Chính điện và các nhà phụ thuộc vẫn là những hàng cột sơn son thếp vàng lộng lẫy trang trí tứ linh, tứ quý,.. Điện Ngưng Hy có 24 đồ bản vẽ các bức tranh trong điển tích “Nhị thập tứ hiếu”. Tuy nhiên, việc xuất hiện cửa kính nhiều màu và hai bức tranh miêu tả cuộc chiến tranh Pháp – Thổ thời Naponeong cùng một số thứ hiện vật khác đã nói lên ảnh hưởng của văn hóa Tây Âu.
Kiến trúc lăng mộ hầu như được Âu hóa hoàn toàn từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng. Nhà bia là sự biến thể của kiến trúc Romance pha trộn kiến trúc Á Đông. Tượng quan viên cao, gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, ngói ác toa, gạch ca rô.