Phà biển nối TP HCM - Vũng Tàu sắp hoạt động
Phà biển nối TP HCM và TP Vũng Tàu ngoài việc kích thích phát triển du lịch còn là tuyến giao thông công cộng, thuận tiện giao thương...
Phà biển nối TP HCM và TP Vũng Tàu ngoài việc kích thích phát triển du lịch còn là tuyến giao thông công cộng, thuận tiện giao thương hàng hóa
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết hiện việc đầu tư hạ tầng của tuyến phà biển đầu tiên tại TP, từ huyện Cần Giờ qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào khai thác dịp 2-9 năm nay.
Giảm chi phí, rút ngắn thời gian đi lại
Tuyến phà biển theo kế hoạch hoạt động trên cự ly khoảng 15 km, đáp ứng cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa. Với thời gian hành trình dự tính chỉ khoảng 30 phút, tuyến phà ngoài việc rút ngắn thời gian di chuyển so với nhiều loại hình khác, còn tăng sự lựa chọn trong việc đi lại. Theo Sở GTVT TP HCM, điều kiện thuận lợi để hình thành tuyến phà nêu trên là bến Tắc Suất tại Cần Giờ đã có nên thời gian qua, các bên nghiên cứu và xây dựng luồng tuyến sẵn sàng để đưa tuyến vận tải vào hoạt động. Theo quy mô, mỗi ngày sẽ có khoảng 24 chuyến đi về, cứ 60 phút có 1 chuyến. “Đây là tuyến phà được đầu tư từ nguồn xã hội hóa và đơn vị khai thác hiện đề nghị giá vé là 50.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, để công bố chính thức với các thông số cụ thể sẽ được thông qua từ các bên liên quan như Sở Tài chính, sau đó trình HĐND TP xem xét” – ông Bùi Hòa An thông tin.
Phà Bình Khánh đang là tuyến “độc đạo”, nối khu nội thành TP HCM tới huyện Cần Giờ để đến bến Tắc Suất
Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết hiện việc đầu tư phương tiện trên tuyến đã hoàn thành, với tổng cộng 6 phà, trong đó loại nhỏ nhất có thể vận chuyển được khoảng 500 khách, tương đương với 30 xe 16 chỗ; loại lớn có thể chở trung bình 350 khách, 20 ôtô các loại cùng 100 xe máy. Kế đến, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến như cầu dẫn, bến bãi… cũng đã hoàn thiện và vừa qua, các đơn vị mới khởi công thi công bến tàu và có thể hoàn thành trong khoảng 30 ngày. “Khi đi vào hoạt động, tuyến phà biển này mang tính chất là tuyến vận tải hành khách công cộng kết hợp du lịch nhằm tạo điều kiện cho nhu cầu đi lại với thời gian di chuyển nhanh, giá vé phù hợp…” – ông Bùi Hòa An thông tin.
Theo đó, ngoài việc hình thành thêm một tuyến vận tải mới, còn kích thích sự phát triển các dịch vụ, nhất là du lịch tại huyện Cần Giờ – vốn có nhiều lợi thế nhưng chưa được phát huy. Mặt khác, tại Cần Giờ, việc kết nối giao thông cũng khá hạn chế, trong khi khu vực này hiện hầu hết là các tuyến tàu du lịch, không thích hợp cho một số đối tượng như người lao động bởi liên quan đến giá vé, thời gian hoạt động… Do đó, khi tuyến phà đưa vào hoạt động, người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn trong việc đi lại, đặc biệt cũng thuận tiện hơn khi giao thương hàng hóa.
Muốn hiệu quả phải tăng kết nối
Theo một số chuyên gia giao thông và người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy, tuyến phà biển nêu trên là một mô hình khá hay. Tuyến phà sẽ góp phần giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường kết nối giữa TP HCM và TP Vũng Tàu bởi hiện không chỉ các tuyến đường bộ mà ngay cả cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng liên tục quá tải, thường xuyên ùn tắc vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết. Trong khi đó, hiện nhu cầu tham quan, giải trí tại huyện đảo Cần Giờ cũng tăng cao, vì vậy khi tuyến vận tải này hình thành có thể tạo điều kiện cho người dân vui chơi, di chuyển qua lại giữa 2 địa phương.
Ủng hộ việc xây dựng tuyến phà biển nhưng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tours – người có nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông thủy, để tuyến phà hoạt động hiệu quả, phát huy hết lợi thế thì cần đồng bộ các giải pháp kết nối. Hiện nay, bến Tắc Suất tại Cần Giờ cách xa trung tâm TP HCM, trong khi việc di chuyển tới khu vực này cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nếu không có sự thuận tiện trong việc kết nối giao thông đến tuyến phà thì khó hiệu quả. Đặc biệt, cũng theo ông Mỹ, việc thêm hạ tầng kết nối từ khu nội đô TP HCM đến huyện Cần Giờ cũng sẽ kích thích nhu cầu đầu tư phát triển đô thị tại đây, kéo người dân tới tham quan Cần Giờ – một huyện đảo với nhiều cảnh quan đẹp ở TP HCM nhưng không phải ai cũng được biết.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP – đơn vị đang vận hành tuyến tàu cao tốc TP HCM – Vũng Tàu, cũng đánh giá ý tưởng hình thành tuyến phà biển kết nối giữa 2 địa phương này là phù hợp. Theo ông Hải, hiện nhu cầu đi lại giữa TP HCM và TP Vũng Tàu khá lớn, không chỉ riêng vui chơi, tham quan mà còn giao thương thường xuyên. Vì vậy, khi khai thác tuyến phà biển, người dân qua lại được thuận tiện hơn vì có thể mang theo xe, hàng hóa… Lý do là hiện nay, một số tuyến du lịch với các tàu cao tốc theo thiết kế không vận chuyển xe hay một số loại hàng hóa cồng kềnh