Những ngôi đền nổi tiếng tại Hà Nội - Du lịch Hà Nội

13/10/2017 23:11 +07 - Lượt xem: 25405

Cùng Du lịch Viettourist tham quan, tìm hiểu về “tứ trấn Thăng Long” của Việt Nam xưa các bạn nhé.

  1. Đền Kim Liên (chùa Kim Liên)

Vào thế kỷ thứ XII, Từ Hoa công chúa, con gái vua Lý Thần Tông đã đưa cung nữ đến khu đất ven Hồ Tây mở trại trồng dâu, vuôi tằm. Năm 1631, một ngôi chùa được dựng lên trên nền đất cung Từ Hoa cũ. Đến năm 1771, ngôi chùa này mang tên là Kim Liên (tức Bông sen vàng).

Ngày nay, chùa thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ. Chùa có 3 dãy nhà bố cục hình chữ tam, mái chồng diêm 2 tầng. Kiến trúc chùa trang trí kiểu Nho giáo và Phật giáo rất độc đáo, đặc trưng nên thu hút nhiều du khách. Chùa được xếp hạng là Di tích quốc gia vào ngày 28/4/1962.

2. Đền Quán Thánh

Đền thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Ba chữ Hán tạc trên cổng vào đền là “Trấn Vũ Quán” nghĩa là quán thờ thánh Trấn Vũ. Ngôi đền này là 1 trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh thành Thăng Long thời xưa.

Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp giữa một nhân vật thần thoại Việt Nam (ông thánh giúp An Dương Vương trừ ma quỷ quấy rối khi xây dựng thành Cổ Loa) và là nhân vật thần thoại Trung Quốc (một ông thánh coi giữ phương Bắc). Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1009 – 1028). Năm 1893 đền được tu sửa lớn như diện mạo ngày nay. Di vật quý trong đền là pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen, đúc năm 1677. Tượng nặng 3600kg, cao 3,96m, chu vi 3,48m.

Đền Quán Thánh còn có một bức tượng đồng đen cỡ nhỏ, tương truyền đó là tượng ông trùm Trọng, là thợ cả hiệp thợ đúc đồng tài hoa đã chỉ huy đúc tượng thánh Trấn Vũ và quả chuông trên gác Tam quan. Để ghi công ơn của thầy, những học trò đã đúc tượng ông và xin được thờ trong đền này. Đền Quán Thánh được xếp hạng là Di tích quốc gia vào ngày 28/4/1962.

3. Đền Voi Phục

Đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028 – 1054) ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thuộc địa phận làng Thủ Lệ, nay là Vườn thú Hà Nội, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đền thờ Linh Lang đại vương.

Tương truyền, Linh Lang chính là hoàng tử Hoằng Châu con vua Lý Thái Tông. Lớn lên, Linh Lang xin cầm quân, đánh thắng quân Tống. Vua cha muốn nhường ngôi, nhưng chàng đã từ chối, về ở tại nơi mà nay đã dựng thành đền. Một hôm, chàng bỗng hóa thành rồng đến cuốn quanh một phiến đá rồi xuống Hồ Tây biến mất. Vua liền lập đền thờ tại nơi ở của Hoàng tử.

Trong đền hiện có 2 pho tượng đồng và phiến đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang gối đầu lên. Cửa đền có tạc hai con voi quỳ vì vậy có tên là Voi Phục.

Trong giai đoạn đầu chống Pháp, nghĩa quân Việt Nam đã phục kích tại cổng đền này, tiêu diệt một toán quân Pháp trong đó có viên chỉ huy quan ba tên Balny. Đền Voi Phục cũng chính là 1 trong “Thăng Long tứ trấn” lừng lẫy của Việt Nam xưa.

4. Đền Bạch Mã

Được xây dựng từ trước khi có thành Thăng Long, đền Bạch Mã nằm ở hướng chính đông, là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Xưa kia, nơi đền Bạch Mã tọa lạc thuộc địa phận dư phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần bảo hộ của kinh thành Thăng Long.

Lễ hội hàng năm vào tháng Hai âm lịch, trước đây có tổ chức lễ đánh trâu rước xuân. Có hơn 1000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Đền được xếp hạng là Di tích quốc gia vào năm 1986.

 




Bài xem nhiều