Động Thiên Cung của vịnh Hạ Long - tuyệt tác của tạo hóa.

30/03/2017 02:25 +07 - Lượt xem: 20034
Trong những hang động đẹp nổi tiếng vịnh Hạ Long mới được phát hiện trong những năm gần đây phải nói đến động Thiên Cung. 

Động nằm ở phía Tây Nam của vịnh Hạ Long, cách bến tàu du lịch chừng 4 km, trên đảo Đầu Gỗ ở độ cao 25m so với mực nước biển. Đảo Đầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Độc có đỉnh cao 189m, dãy đảo như một chiếc ngai ôm trong lòng mình hai hang động đẹp. Đường lên động Thiên Cung vách đá cheo leo, hai bên tán lá rừng che phủ um tùm, vào những đêm trăng, những chú khỉ tinh nghịch leo  xuống tận đây để kiếm hoa quả. 

Động Thiên Cung của vịnh Hạ Long.

Qua một khe cửa hẹp, lòng động đột ngột mở ra không gian có tiết diện hình tứ giác với chiều dài hơn 130m. Càng vào trong, ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lộng lẫy của tạo hóa. Động gắn liền với truyền thuyết về vua Rồng xưa kia.

Truyện kể rằng, sau khi vua Rồng giúp dân ta đánh đuổi giặc giã, vua Rồng trở về động của mình an toa. Năm ấy, trời hạn hán nặng, dân tình mất mùa nhiều nên họ phải cầu cứu vua Rồng ra ta làm mưa. Bao nhiêu người đã ra đi mà không có ngày trở về. Không sợ nguy hiểm gian nan, đôi trai gái quyết tâm cùng nhau đi gặp vua Rồng. Người con gái của họ ra đời được đặt tên là nàng Mây. Nàng Mây lớn lên làm xao xuyến trái tim của hoàng tử Rồng và tình yêu đã giúp họ tìm đến với nhau. Đám cưới được tổ chức 7 ngày 7 đêm ở trung tâm động.Để chúc mừng cho đám cưới, những chú rồng bay lượn lúc ẩn lúc hiện trong rừng mây nhũ đá, những chú voi con công kênh nhau lên nhảy múa, những con mãng xà lớn trườn mình quấn quanh cây đa cổ thụ, hai chú sư tử đá nhảy múa bờm tóc tung bay, trên cao những chú đại bàng giang rộng đôi cánh khổng lồ ở không trung,… Một chú voi lớn được trang trí diêm dúa, công phu nằm phủ phục chờ cô dâu chú rể bước xuống. Nam Tào, Bắc Đẩu tóc bạc như mây cũng đến dự tiệc vui, cảnh tượng sống động, náo nhiệt đến vô cùng. Tất cả những hình ảnh trong truyền thuyết ấy như vừa được hóa đá ở nơi này.

Động Thiên Cung của vịnh Hạ Long.

Trên vách động phía đông là một bức tranh hoành tráng, đồ sộ, trong đó chạm nổi những nhân vật có trong truyện cổ tích, nét chạm khắc uyển chuyển, mềm mại và vô cùng tinh tế, những khối điêu khắc dù là đồ sộ hay bé nhỏ đều được bàn tay của tạo hóa trau truốt tỉ mỉ.

Trung tâm động là 4 cột trụ to lớn lực lưỡng chống đỡ thiên đình. Từ chân cột cho tới đỉnh đều được chạm nổi nhiều hình thù kỳ lạ như chim, cá, cảnh sinh hoạt của con người, hoa lá cành,…Trên vách động phía Bắc là cảnh của một bầy tiên nữ đang múa hát chúc mừng cho đám cưới. Dưới vòm động cao vút, từng chùm nhũ đá rủ xuống muôn màu tạo thành bức rèm đá thiên nhiên lộng lẫy. Đâu đó có tiếng trống bập bùng như trong đêm hội làng xưa. Đó thực chất là tiếng của gió thổi qua khe đá. Đứng giữa vòm động cao vút, màu thạch nhũ xanh như dát ngọc làm cho ta cứ ngỡ như đang đứng giữa chốn tiên cảnh bồng lai.

Động Thiên Cung của vịnh Hạ Long.

Tới ngăn động cuối cùng, những luồng ánh sáng trắng, xanh, đỏ xen lẫn phối màu tạo nên khung cảnh hoa lệ. Một nguồn nước tự nhiên bốn mùa tuôn chảy róc rách vào ba hố nước trong vắt. Đây là nơi nàng Mây thường tắm cho 100 người con của mình và nuôi họ khôn lớn, trưởng thành. Một con đường dãn ra phía ngoài quanh co, uốn khúc. Đó chính là con đường mà nàng Mây đã cùng 50 người con của mình ra đi để khai phá vùng đất mới, 50 người con còn lại ở cùng với người cha để xây dựng quê hương, di vật mà người mẹ để lại chính là bầu vú tiên tràn trề sức sống.
 




Bài xem nhiều