Đặc trưng văn hóa người Dao- phần 8 (văn nghệ dân gian)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 15444

Văn học.

– Thơ ca cũng như các sáng tác dân gian khác là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với nhân dân lao động Dao. Qua một vài mẩu thơ nhỏ dưới đây có lẽ cũng phản ánh được  một phần nào tâm hồn và cuộc sống người Dao trước đây.

Với cuộc sống du canh du cư thật là bấp bênh khổ cực:

Thiếu rượu uống vì năm mùa mất

Hạn ké dài nương đất nẻ khô

Gặt xong thóc đổ vào bồ

Lưng lửng nủa bồ thóc lép thóc rơm.

Và:

Kia nương lúa đã chia vè

Đừng nói ông sóc nó nghe nó về

Nếu ông sóc biết thì nguy

Nó về cắn hết tha đi vào rừng

Cuộc sống đầy vất vả, khó khăn, đầy lo âu, sợ hãi, nhưng đồng bào vẫn vững tin vào đôi tay rắn chắc, cần cù lao động của mình.

Trên đời quý nhất thứ gì?

Mong anh giải đáp em thì được hay

Em hỏi anh trả lời ngay

Trên đời quý nhất bàn tay cần cù.

Cuộc sống như vậy nhưng những con người cần cù lao động ấy vẫn yêu đời hơn aii hết. Họ là những người rất giàu tình cảm đối với thiên nhiên, với cuộc sống và con người. Họ rất yêu quý mùa xuân vì mùa cuân là mùa của sinh sôi nảy nở, mùa hy vọng, mùa ca hát của lứa đôi, họ mong đợi, họ khao khát:

Anh lo thì em cũng lo

Anh lo sao có cơm no trâu cày

Em lo nương rẫy luôn tay

Mong sao xuân tới được ngày hát vui.

Tục ngữ của người Dao cũng rất phong phú và hàm súc:

          Đường ngọt chết kiến

          Chuối nhà không vun, vun chuối rừng

          Có trồng mới có ăn, không trồng bụng đói quanh năm

          Gai song nhọn, nhọn từ trong bẹ

      Người Dao cũng có rất nhiều câu đố:

          Ba anh em vần chung nhau một cái khăn (cái kiêng)

          Rồng mẹ đẻ ra dím con (cây dừa)

          Nước qua bên trên, thuyền qua bên dưới (máng nước)

          Dây dài chém không bao giờ đứt (dòng nước).

Người Dao chỉ có một số truyện thơ được ghi thành sách bằng chữ Hán (phát âm theo tiếng Dao), còn phổ biến là truyện  kể miệng: truyện Hai chị em, truyện Con quạ và cái trông (Nọ đrôa cấu), truyện Lò sủ ní (Lò sủ ní cấu), truyện Yêu tinh, truyện Chàng sùng sieng,…

Ngoài ra, một số truyện cổ Trung Quốc cũng được lưu hành rộng rãi trong người Dao.

Hát, trong tiếng Dao gọi là dủng, nhưng người ta thường gọi  nó là páo dung hay ay dủng. Ca hát chỉ có một số làn điệu nhất định như: páo nhây (ngam thơ), páo dung om hay còn gọi là páo dung tỏi tồm dòi tủng (hát đối đáp giữa trai chưa vợ và giá chưa chồng), páo dung muộn (há ghẹo) , mải páo tồm tỏi páo dung (hát giữa nhưng người đã có vợ, có chồng), páo dung hộp líu (hát uống rượu), páo yeng dung (hát đám tang, đám chay, trong lễ chẩu dàng), páo ton hay lồ xấy (hát ru con),…

Tổ chức một lối hát giữ nam nữ:

Được tin có trai làng khác tới hát, các cô gái trong làng ra tiếp đón rồi mời về nhà thết cơm. Tối đến, họ xin phép ông bà, cha mẹ và những người tới dự để cuộc hát được bắt đầu. Trước hết, bên trai hát chúc mừng gia chủ rồi hát khiêu khích để bên gái lên tiếng thì bên trai chuyển sang làn điệu páo dung om. Cuộc hát vui cứ thế kéo dài cho tới sáng. Ngày họ đi sản xuất, tối đến lại hát. Có khi cuộc hát kéo dài đến 2, 3 đêm mới tan.

– Nghệ thuật trang trí trên trang phục bằng cách thêu hay dệt, khắc trên bạc hoặc đồng đã đạt được đến trình độ cao. Hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao không chỉ biểu hiện tinh thần cần cù, nhẫn nại, bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ của người phụ nữ Dao mà về mặt nghệ thuật còn cho ta thấy sự tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, cách bố cục tác phẩm cân đối, hài hòa, tươi vui, trong sáng nhưng không kém phần kín đáo, và đặc biệt là sự phong phú về các loại hình, mô típ khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu một số mô típ phổ biến nhất và có mặt trên trang phục của nhiều nhóm.

          Hoa văn kỷ hà: các vạch thẳng song song, các vạch thẳng song song cắt nhau, những đường gấp khúc song song, đường răng cưa, đường chân rết, hình trái trám, dấu cộng, hình bánh xe, các loại hình sao,….

          Hoa văn hình hoa lá: lá, cành lá, cây thông, cây có quả, cây ngô, hoa.

          Hoa văn hình công cụ: cũi lợn, cái bừa.

          Hoa văn hình muông thú: chim có mào, chim đuôi to, gà chọi nhau, chó, ngựa,…

          Hoa văn hình người: người giơ tay, người hai tay chống nẹ, người cúi lưng, Tam thanh, người dắt tay nhau, người đội hoa,…

          Hoa văn chữ Hán cách điệu: chữ vạn đơn, chữ vạn kép, chữ thọ, một chữ gì khác đã cách điệu quá xa nên không rõ chữ gốc.

          Hoa văn hỗn hợp: người đội hoa, người cầm lọng, người cưỡi ngựa, chim đậu trên cây có hoa.

 




Bài xem nhiều