Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao- Phần 5 (sinh hoạt xã hội)

30/03/2017 02:15 +07 - Lượt xem: 16336

Trước cách mạng, điều kiện canh tác và cư trú là khác nhau nên sự phát triển xã hội ở người Dao cũng có chênh lệch khác nhau. Xã hội người Dao cũng như các dân tộc khác không thể không chịu ảnh hưởng  của chế độ thực dân và nửa phong kiến- chế độ đã thống trị xã hội Việt Nam trong ngót một thế kỷ. Nhưng ảnh hưởng đó cũng có mức độ khác nhau ở những vùng Dao khác nhau.

Để thực hiện chính sách chia để trị và mị dân thâm độc, bọn đế quốc đã bày đặt ra một bộ máy cai trị của người Dao từ cấp châu trở xuống. Bề ngoài dường như người Dao có một chút bình đẳng và có quyền lợi ngang với các dân tộc khác. Thực tế bộ máy này  chỉ tạo thêm điều kiện cho chúng vơ vét sưu thuế, bắt phu, bắt lính… Tuy nhiên, nó cũng chỉ được thiết lập ở những nơi người Dao cư trú tương đối tập trung. Còn những nơi người Dao sống phân tán thì lệ thuộc vào bộ máy cai trị của các dân tộc đông người hơn: ở vùng Tày thì lệ thuộc vào bọn thổ ty, ở vùng Thái thì dưới quyền cai trị của bọn phia tạo, ở vùng Mường lại chịu sự áp bức của bọn lang đạo….

Bộ máy cai trị của nguời Dao được tổ chức như sau:

         Ở cấp châu tương đương với viên tri châu có Quản chiểu.

         Ở tổng có Mán mục.

         Ở xã hay thôn có Động trưởng hay Gíap trưởng.

Tuyên Quang có Quản chiểu được hưởng lương tháng, nhưng không có trụ sở riêng. Mọi công việc Quản chiểu chỉ được phép giao tiếp với viên tri châu sở tại. Bọn thống trị đã để cho những người tham gia vào bộ máy cai trị nói trên được hưởng một số quyền lợi nhất định, cho nên trong số đó đã có những người thực sự trở thành kẻ bóc lột. Nhưng nói chung, chức việc người Dao cũng bị đế quốc và giai cấp phong kiến thuộc các dân tộc khác chèn ép, khinh miệt. Ngoài tầng lớp này còn phải kể đến một tầng lớp khác, nhiều ảnh hưởng đến nhân dân, đó là những người thày cúng được mệnh danh là cao tay. Những người này đã dựa vào uy thế về mặt thần quyền để bóc lột nhân dân và họ đã thực sự là kẻ bóc lột.

Còn nhân dân lao động là tầng lớp đáy cùng của xã hội, họ chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột. Riêng phụ nữ lại càng khổ cực hơn nhiều. Trong gia đình, họ bị lệ thuộc vào cha mẹ, chồng, con, ngoài xã hội họ bị khinh rẻ không được tham gia bất kỳ một hoạt động nào.

 Dưới chế độ cũ, bên cạnh bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, xã hội Dao cũng tồn tại một số tàn dư của tổ chức công xã nông thôn. Những tàn tích này đậm nhạt khác nhau giữa địa phương này và địa phương khác, giữa nhóm Dao này và nhóm Dao khác.

Trong Qúa sơn bảng văn có nói tới 12 họ Dao, nhưng trong thực tế, người Dao có nhiều họ hơn. Những người trong cùng họ không được có quan hệ hôn nhân. Hôn nhân giữa những người cùng họ được coi là điều cấm kị.

Một số người Dao phải kiêng một số thức ăn nhất định như: họ Bao kiêng không ăn cải bắp, họ Bạch không được ăn nõn chuỗi, họ đường không ăn mía….

Lễ vật cúng tổ tiên của các họ cũng khác nhau: họ Phùng cúng dê, họ Triệu cúng trâu, họ Bàn cúng bò,…

Họ Bàn được coi là họ gốc: họ Bàn đứng đầu 12 họ. Các họ khác đều thừa nhận họ Bàn là anh. Trong quá trình thiên di, mỗi họ chính của nguời Dao đã tách thành nhiều chi, ví dụ như họ Triệu có: Triệu đỏ, Triệu xanh, Triệu mốc, Triệu con,…

Sự hạn chế quan hệ hôn nhân trong cùng họ phai nhạt dần mà chỉ còn cấm đoán nghiêm ngặt trong cùng một chi. Mỗi chi lại gồm nhiều tông tộc. Mối quan hệ giữa các hộ trong một tông tộc lại chặt chẽ hơn là trong cùng một chi hay một họ. Mỗi tông tộc có hệ thống tên đệm riêng để chỉ thứ bậc các thế hệ của những người đàn ông trong cùng tông tộc. Hệ thống tên đệm này được sử dụng như một chu kỳ đóng kín. Mỗi tông tộc có một tộc trưởng. Nhà người tộc trưởng cũng là nơi đặt bàn thờ chung cho cả tông tộc. Nhà của tộc trưởng được gọi là Nhà lớn, còn nhà của các thành viên trong tông tộc gọi là Nhà nhỏ hay là Lều. Tộc trưởng có nhiệm vụ chủ trì việc cấp sắc hay lập tỉnh cho mọi thành viên trong tông tộc. Tộc trưởng cũng còn có trách nhiệm giúp đỡ mọi gia đình trong tông tộc của mình làm ma chay, làm nhà, tổ chức đám cưới, chia tài sản, giả quyết xích mích,… Do đó, người tộc trưởng có vai trò khá quan trọng, ảnh hưởng của ông ta khá sâu sắc đối với mọi người trong tông tộc.

Gia đình người Dao là gia đình nhỏ phụ quyền. Mỗi gia đình chỉ bao gồm một đôi vợ chồng và các con cái, có gia đình còn có thêm ông bà. Mỗi thành viên trong gia đình đều sống chung trong một ngôi nhà. Những gia đình đông con trai, các con thứ sau khi đã lập gia đình, thường làm nhà ra ở riêng và sinh hoạt riêng. Tuy nhiên, người ta cũng còn thấy một vài tàn dư của hình thức gia đình lớn.

Chủ gia đình là người cha, nếu người cha đã già yếu thì người con cả thay. Những công việc hệ trọng trong gia đình thường có sự bàn bạc chung, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về người chủ gia đình.

Những người đàn ông trong gia đình thuwòng làm các công việc nặng nhọc: làm nương rẫy, cày, bừa, làm nhà, săn bắn, đánh cá hoặc những nghề phụ như đan lát, đóng cối,… Đàn bàphải quán xuyến mọi công việc bếp núc và cũng phải gánh vác một số công việc không kém phần vất vả như đàn ông.

Trẻ nhỏ làm các công việc nhẹ như: kiếm củi, lấy măng rau, chăn trâu bò….

Nhiệm vụ giáo dục con cái, chủ yếu là do người cha đảm nhiệm.

Người Dao rất ít khi đánh mắng con cái, thường chỉ dùng lời lẽ khuyên nhủ, nhẹ nhàng. Đồng bào hay nhận con nuôi, con nuôi cũng được đối xử tử tế không kém gì con đẻ.

Ở nhiều nhóm Dao tôn ti trật tự và những cấm kỵ trong gia đình được quy định rất chặt chẽ: khi nhà có khách nam thì những người phụ nữ trong gia đình không được tiếp, không được ăn cùng mâm. Cô dâu không được ngồi ăn cùng mâm, không được ngồi ngang hàng, không được vào buồng  bố chồng và anh chồng. Ngược lại bố chồng và anh chồng cũng không được vào buồng cô dâu.

Phân chia tài sản thường con cả được phần hơn vì người này phải chăm sóc bố mẹ già. Con gái cũng được chia nhưng chỉ được 1 phần nhỏ để làm vốn.

Dưới chế độ cũ, hôn nhân của người Dao là chế độ một vợ một chồng, cư trú cố định bên nhà chồng. Hôn nhân mua bán đã được xác định rõ ràng và thể hiện đầy đủ trong hai tiếng gả bán. Tuy nhiên, đó đây chúng ta vẫn có thể bắt gặp một số tàn dư của hình thức hôn nhân nguyên thủy như tàn dư của chế dộ mẫu quyền còn phổ biến ở nhiều nhóm, đó là chế độ ở rể bắt buộc. Ở rể có hai hình thức: ở rể có thời hạn và ở rể vĩnh viễn. Ở rể vĩnh viễn thường nguwòi con trai phải đổi họ của mình theo họ vợ. trong hôn lễ cũng biểu hiện một số tàn dư khác.

Như đã nói, quan hệ hôn nhân của người Dao được quy định khá chặt chẽ: người cùng tông  tộc nếu không quá 5 đời thì không được lấy nhau. Vì vậy, người ta phải kết hôn với người ngoài tông tộc hay ngoài họ. Người Dao không có chế độ hôn nhân con cô con cậu, hôn nhân chị em vợ và hôn nhân an hem chồng, cũng không có hình thức hôn nhân cướp đoạt.

Trong người Dao, quyền cữu phụ (quyền người cậu) còn thấy khá rõ rệt. Trong việc gả bán cháu gái, ý kiến của người cậu gần như có tác dụng quyết định. Ở nhiều nơi, người cậu thường là chủ hôn và chứng kiến lễ tơ hồng của cháu gái.  Vai trò người cậu tuy có quan trọng nhưng việc hôn nhân của đôi trai gái có thành hay không lại là do số mệnh quyết định, do việc so tuổi có hợp hay không.

 




Bài xem nhiều