Các điểm thăm quan hấp dẫn tại Hà Nội

08/10/2017 13:51 +07 - Lượt xem: 24656

Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam. Đây là vùng đất cổ, đã có từ rất lâu đời nên văn hóa trở nên rất đa dạng và phong phú. Người ta biết đến Hà Nội không phải nơi đây chỉ là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước mà ở đây còn có rất nhiều điểm thăm quan hấp dẫn, nhiều phong cảnh đẹp khiến người ta luôn muốn đắm chìm mãi trong đó mà không muốn dứt ra.

Hoàng Thành Thăng Long

Kinh thành Thăng Long – Hà Nội từng tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vào thời Lý, thành Thăng Long được xây dựng trên vị trí của thành Đại La. Thăng Long hồi đó có mặt phía Bắc giáp với Hồ Tây, phía Tây giáp sông Tô Lịch, phía đông chính là đường Lý Nam Đế ở hiện tại. Đến thời Trần, thời Hậu Lê, thành vẫn ở trên vị trí cũ nhưng có thay đổi về quy mô và các công trình ở trong thành. Đến thời Nguyễn, kinh đô dời vào Phú Xuân, thành Hà Nội là Tổng Trấn Bắc. Quy mô thành Hà Nội thời này nhỏ hơn nhiều so với trước đó.

Tháng 12/2003, kết thúc việc khai quật một phần khu thành cổ, hơn 4 triệu hiện vật đã được phát hiện. Nhiều tầng văn hóa qua các triều đại suốt từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX về tòa thành Đại La – Thăng Long – Hà Nội đã phát lộ. Du khách có cơ hội tận mắt chứng kiến khi về thăm thủ đô.

Ngày 12/8/2009, di tích lịch sử khảo cổ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt và đầu tháng 8/2010, khu di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của Thế giới.

Cửa Ô Quan Chưởng

Đây là một di tích khá nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, nằm ở đầu phố Hàng Chiếu, đây là 1 trong số 21 cửa ô còn lại của kinh thành Thăng Long xưa. Theo dòng chữ ghi trên cửa ô hiện vẫn còn là Đông Hà Môn. Công trình gồm có 1 cửa chính, hai cửa bên, phía trên có vọng lâu. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của tổng đốc Hoàng Diệu cấm binh lính sách nhiễu dân chúng qua lại.

Có tài liệu cho biết, tên ” Quan Chưởng” liên quan đến trận đánh Pháp ngày 20/11/1873. Chỉ huy trận đánh là viên Chưởng Cơ. Kết thúc trận đánh, binh lính Pháp bị tổn thất rất nặng nề nhưng viên Chưởng Cơ và gần 100 binh sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Nhân dân ghi nhớ công ơn lấy tên ông đặt cho cửa ô.

Ô Quan Chưởng đã được xếp hạng là di tích quốc gia vào ngày 5/9/1994.

Hồ Hoàn Kiếm

Hồ nằm ở vị trí trung tâm thành phố nên được ví như một lẵng hoa giữa lòng Hà Nội. Hồ gắn với truyền thuyết trả gươm: vua Lê Thái Tổ có một thanh gươm quý luôn ở bên ông trong suốt mười năm kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV. Sau chiến thắng, một lần vùa Lê ngao du bằng thuyền trên hồ Lục Thủy bỗng có một con rùa nổi lên, vua rút gươm báu ra chỉ cho quân sĩ biết thì rùa liền đớp lấy ngay thanh gươm rồi lặn xuống nước. Vua cho rằng, trước đây rùa thần đã giúp gươm báu đánh thắng giặc Minh, nay đất nước đã thanh bình thần lấy lại gươm, nên nhà vua đổi tên cho hồ là hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Tây

Đây là một quần thể có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp ở phía tây thành phố. Có thể ví đường Thanh Niên như một cây cầu tạo thành hai hồ nước, một bên là hồ Tây bên kia là hồ Trúc Bạch. Đoạn đường đôi này dài 992m, dải phân cách là một hàng cây xanh, hai bên đường là những hàng cây phượng, cây liễu, bằng lăng,….

Hồ Tây ở phía Tây Bắc đường Thanh Niên, có diện tích khoảng 500ha, lớn nhất trong số hồ ở nội thành Hà Nội. Con đường chạy quanh hồ dài đến 17km, đi qua các địa danh Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân,…và nhiều đền chùa đẹp, nổi tiếng như Trân Quốc, Kim Liên, phủ Tây Hồ,… Từ xa xưa, nhiều triều đại phong kiến đã xây dựng cung điện bên hai hồ này làm nơi nghỉ ngơi, hưởng lạc. Ngày nay, xung quanh khu vực hồ Tây tập trung nhiều khách sạn lớn, cơ sở lưu trú, các dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ nhà hàng,…Đây cũng được coi là một trong những trung tâm du lịch quan trọng bậc nhất tại Hà Nội.

 




Bài xem nhiều