Kiến trúc chùa Bái Đính

30/03/2017 02:21 +07 - Lượt xem: 73588
Chùa Bái Đính là quần thể kiến trúc Phật giáo nằm trên diện tích khoảng 700ha, bên triền núi Bái Đính, thuộc địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình 12km và cách cố đô Hoa Lư 5km, bên cạnh khu Du lịch sinh thái Tràng An.
Tại đây các hạng mục kiến trúc có kết cấu mô phỏng ban thờ Phật trong một ngôi chùa truyền thống. Chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam, được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất… 
Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam, được sử dụng bằng nhiều nguồn nguyên liệu chính ở địa phương: đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng… Các hạng mục xây dựng trên địa hình từ thấp lên cao, 5 cấp theo đường chính đạo: Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp Chủ và trên cùng là tòa Tam Thế. 
Tòa Tam Thế có ba tầng mái uốn cong, gồm 12 mái ở 4 phía, cao 34m, dài 59,1m, rộng hơn 40m, diện tích trong tòa khoảng 3.000m2 gồm 7 gian. Trong điện thờ ba pho tượng Tam Thế (quá khứ, hiện tại và tương lai) đúc bằng đồng, mỗi pho trọng lượng khoảng 50 tấn, được xác nhận là bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam (12/12/2007). 
Kế tiếp là điện Pháp Chủ hai tầng mái cong, cao 30m, dài 47,6m, rộng 43,3m. Trong điện thờ pho tượng Phật Tổ Như Lai (Pháp Chủ) đúc bằng đồng, cao 10m, trọng lượng 100 tấn, pho tượng này được xếp hạng tượng Phật Tổ bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam (4/5/2006).
Tiếp đến là điện Quan Thế Âm Bồ Tát kết cấu 7 gian, một tầng mái. Trong điện thờ pho tượng Quan Âm Bồ Tát nhiều mắt, nhiều tay, đúc bằng đồng, nặng 40 tấn. 
Liền phía dưới là tháp chuông có hình khối bát giác, ba tầng mái cong, mỗi tầng mái có 8 mái ghép lại, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên, bên trong treo một quả chuông nặng 36 tấn được đúc tại Huế. Quả chuông đã được xác nhận kỷ lục “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam”.
Tháp chuông tại chùa Bái Đính.
Dưới cùng là Tam quan nội có ba tầng mái, ngói men ống Bát Tràng, hai hồi ở cửa Vô và cửa Hữu đặt hai pho tượng Hộ Pháp bằng đồng cao 5m, nặng 10 tấn. Hai phía trái, phải của Tam quan nội là hai dãy hành lang, tất cả có 230 gian bao quanh khu kiến trúc lên tới điện Tam Thế, tổng chiều dài hành lang là 1.052m. Trong hai dãy hành lang đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối, không tượng nào giống nhau, mỗi tượng cao 2,5m. 
Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á.
Chùa Bái Đính có vị trí đẹp về phong thủy: phía trước là sông, hai bên án ngữ bởi hai dãy núi tạo thế “Long chầu, Hổ phục”, phong cảnh nên thơ. Bái Đính không chỉ thu hút đông đảo tăng ni phật tử khắp nơi mà còn là điểm đến của du khách bốn phương đến hành hương và vãn cảnh.
 
  
 




Bài xem nhiều