Dân tộc H'Mông tại thị trấn Sapa
Người H’Mông là một trong bảy dân tộc có số đông nhất ở miền Bắc nước ta. Tính đến nay, dân số của đồng bào H’Mông đã lên đến hơn 1 triệu người, sinh sống chủ yếu ở những vùng cao (trên 1000m so với mực nước biển) như ở các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai,….
Mặc dù sống xen kẽ cùng với các đồng bào dân tộc thiểu số khác, đồng bào người H’Mông thường sống tập trung lại với nhau, các với người Dao, Lô Lô, Pu Péo,… họ thường sống đan xen cùng nhau trong một khu vực. Ở miền Bắc, những nơi mà người H’Mông tập trung sinh sống đông nhất phải kể đến như: cao nguyên Đồng Văn, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Căng Chải, Điện Biên, Tuần Gíao và thị trấn Sapa ở Lào Cai.
Phụ nữ người H’Mông ở thị trấn Sapa
Tại Sapa, tỉ lệ người H’Mông chiếm tới hơn 50% dân số sinh sống trong vùng, được coi là một trong những địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào H’Mông tại khu vực phía Bắc. đây là một tộc người có nguôn gốc từ Trung Quốc, sau những biến động của lịch sử, một bộ phận người Miêu (tên gọi của người H’Mông tại Trung Quốc) mới di cư sang một số vùng núi cao của nước ta và trở thành một trong số 54 dân tộc anh em của Việt Nam như hiện nay. Theo ghi chép, bộ phận người H’Mông đầu tiên di cư tới Sapa là vào khoảng hơn 300 năm trước với khu vực tập trung chủ yếu là dãy núi Hoàng Liên.
Những em nhỏ người H’Mông rạng rỡ dưới ống kính máy quay của nhiếp ảnh
Thường sinh sống trên những khu vực núi cao, hiểm trở cùng với đó là đất đai kém phì nhiêu, màu mỡ nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ lâu đời, người H’Mông đã cải tạo, san lấp những sườn đồi, sườn núi tạo nên những thửa ruộng bậc thang không chỉ để trồng ngô, trồng lúa mà còn tạo nên một khung cảnh không chỉ đẹp mà còn đầy tính nghệ thuật. Lên thăm Sapa vào những dịp cuối thu, khi những thửa ruộng bậc thang lúa đã vào mùa thu hoạch, du khách mới có thể cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp được tạo nên từ chính đôi bàn tay khéo léo của đồng bào H’Mông.
Những thửa ruộng bậc thang được nhuộm vàng bởi hàng ngàn ánh nắng rực rỡ trên mảnh đất Sapa
Nhóm người H’Mông sinh sống đông nhất tại thị trấn Sapa là nhóm H’Mông đen. Trang phục của họ tuy cũng là màu đen, màu tối như người H’Mông đen ở nhiều nơi khác, song nếu chúng ta tìm hiểu kỹ sẽ thấy được những điểm khác biệt của nhóm H’Mông đen tại đây. Chả vì thế mà mọi người thường quen gọi là người H’Mông Sapa để phân biệt với nhóm này ở các khu vực khác.
Đời sống vật chất của người H’Mông tại Sapa là vậy, đời sống tinh thần của họ cũng có rất nhiều điểm đặc sắc, trong đó phải kể đến là lễ hội Gầu Tào. Đây là một lễ hội truyền thống của người H’Mông và vẫn luôn được gìn giữ cho đến ngày nay. Gầu Tào ở đây có nghĩa là “địa điểm chơi”, thường được tổ chức vào mùa xuân, vào tháng Giêng hàng năm. Thông thường, khi có gia đình nào đó trong bản có ít con, không có con hay con không đủ cả trai cả gái, họ sẽ tìm đến đồi Gầu Tào để cầu cúng. Khi lời khẩn cầu đã được đáp ứng, họ sẽ làm lễ Gầu Tào coi đó như một hình thức để cảm tạ thần linh. Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc có cùng hoàn cảnh đứng ra tổ chức cùng nhau. nó sẽ được tổ chức trong ba năm liên tiếp. Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất và có tính cộng đồng duy nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào H’Mông.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào H’Mông tại Sapa