Khám phá tứ đại đỉnh đèo tại Việt Nam

30/03/2017 02:14 +07 - Lượt xem: 23791

Đã từ lâu, miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam luôn là một điểm đến vô cùng thú vị. Hằng năm, nơi đây thu hút hàng nghìn lượt du khách tới thăm quan, khám phá. 

Không phải tự nhiên mà vùng đất này lại có sức hút đặc biệt đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Bởi nơi đây, không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho một cảnh quan đẹp, hùng vĩ và có đôi chút thách thức đối với con người, mảnh đất này có có 4 đỉnh đèo cao và nguy hiểm bậc nhất Việt Nam. 

1, Đèo Mã Pì Lèng

Mã Pì Lèng đối với khách du lịch nói chung và các phượt thủ nói riêng, có thể coi là một trong những cung đường đèo nguy hiểm nhưng lại đẹp nhất tại miền núi phía Bắc. Với chiều dài và cung đường nơi đây, người ta ví nó như Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng tại đất nước Trung Quốc. Mã Pì Lèng nằm trải dài tại ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang- vùng đất địa đầu Tổ quốc. Con đèo này có chiều dài khoảng 20 km đi qua đỉnh Mã Pì Lèng, ngọn núi có chiều cao khoảng 1.200m so với mực nước biển và thuộc về Cao nguyên Đồng Văn.

Nếu ngắm nhìn từ trên cao, chúng ta sẽ nhìn thấy đèo Mã Pì Lèng giống như một sợi dây dài vắt qua lưng chừng núi tạo nên một phong cảnh kì vĩ và đầy thách thức cho vùng đất cao nguyên đá. Con đường đèo này là kết quả của quá trình 6 năm chung sức xây dựng của hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc ở 8 tỉnh miền Bắc từ năm 1959- 1965. 

Nghĩa của từ Mã Pì Lèng chính là sống mũi của con ngựa. Nếu ta hiểu sâu hơn thì nó ám chỉ sự nguy hiểm vô cùng của con đèo. Với dốc đèo dựng đứng, ngựa leo lên đây cũng phải mệt đến tắt thở. Nhưng khi đã lên được đến đỉnh đèo, với xung quanh là những đỉnh núi thấp thoáng trong sương, bên dưới là dòng sông Nho Quế uốn mình và xanh mướt quanh năm, bạn sẽ cảm giác như mình đã lạc vào chốn thần tiên nào đó với một không gian thật tự do, tự tại.

2, Đèo Ô Quy Hồ

Đèo Ô Quy Hồ còn được gọi là đèo Hoàng Liên hay Hoàng Liên Sơn được đánh giá là là một con thách thức các phượt thủ với chiều dài và sựu khúc khuỷu trong cung đường của nó. Đèo chạy cắt ngang qua dãy Hoàng Liên Sơn và nối liền 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Ranh giới hai tỉnh này cũng chính là đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Tên Ô Quy Hồ có nguồn gốc từ tiếng kêu của một loài chim rừng và gắn liền với một câu chuyện về một tình yêu đẹp nhưng không đến được với nhau của một đôi trai gái.

Cung đèo này có chiều dài đến gần 50 km và ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển. Nhìn vào vị trí và chiều dài của cung đèo này thì danh xưng “vua đèo Tây Bắc” quả là rất hợp. Cũng giống như cung đường đèo khác, với một bên vách đá dựng đứng, một bên vực sâu hun hút, đèo Ô Quy Hồ luôn khiến cho các bác tài phải dè chừng. Đỉnh đèo là địa điểm lý tưởng để du khách thả mình vào cùng với thiên nhiên, khi ngắm nhìn hỉnh ảnh mây vờn quanh núi ở bốn phía, chúng ta sẽ có được cảm giác thật thư thái và thoải mái.

3, Đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin không chỉ làm cho người ta ấn tượng bởi cùng đường đèo quanh co, nhiều khúc cua tay áo, nơi đây còn gắn liền với những chiến tích anh hùng trong lịch sử. Đây là con đèo chạy qua các tỉnh phía Tây Bắc, có chiều dài khoảng 32 km và nằm trên quốc lộ 6, đỉnh đèo chính là ranh giới của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên của nước ta. Đèo Pha Đin có điểm cao nhất là hơn 1.600m so với mực nước biển. Đây được coi như một cung đường đèo ấn tượng nhất tại Việt Nam. 

Đèo Pha Đin tuy rất đẹp nhưng lại đặc biệt nguy hiểm. Ở khu vực lưng chừng đèo bất kỳ thời điểm nào cũng có mây mù bao phủ, gây khó khăn về tầm nhìn cho cánh tài xế. Nằm rải rác dưới chân đèo là những bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

4, Đèo Khau Phạ

Đây là con đèo chạy qua đỉnh núi Khau Phạ, nằm ở huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái. Cung đường đèo này có chiều dài khoảng 30 km, nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái.

Trong tiếng của dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là sừng trời. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi cung đường đèo này luôn nằm trong mịt mù sương phủ và đỉnh đèo nhô lên trong màn mây. Nhìn từ trên cao trông nó giống chư chiếc sừng mọc nhô lên vậy. Đèo Khau Phạ có cùng đường khó đi hơn nhiều so với cung đường đèo khác, bởi nơi đây có đến hai phần ba đoạn đường là sỏi đá gập ghềnh, chỉ có đoạn đi qua Tú Lệ mới dễ đi hơn đôi chút. Đi qua đèo vào khoảng tháng 9, tháng 10 ta sẽ được ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp. Bởi thời điểm này, những thửa ruộng bậc thang của đồng bào người Mông đã vào độ chín, sắc vàng phủ kín cả một vùng trời tạo cho người ta cảm giác tràn đầy năng lượng sống.

Là những con ngườ ưa thích du lịch, thích khám phá và chấp nhận mạo hiểm, nếu không một lần đi và trải nghiệm hết những cung đường đèo này thì quả là một điều đáng tiếc.

Tour du lịch tham khảo: Hà Giang thiên đường tam giác mạch

 




Bài xem nhiều