Tìm hiểu về dân tộc Mông (Mèo) ở Việt Nam (P4)

30/03/2017 02:14 +07 - Lượt xem: 38857

Gia đình và hôn nhân người Mông

Gia đình ở người Mèo là gia đình nhỏ, phụ hệ  mà tính chất đó được biểu hiện trong nhiều tập tục như trong các dân tộc khác. Người con gái về nhà chồng khi đã qua một lễ gọi là “nhập môn” thì được coi thuộc hẳn nhà chồng. Cô dâu ở hẳn nhà chồng sau lễ lại mặt. Nếu họ muốn về thăm bố mẹ đẻ phải được nhà chồng đồng ý và bao giờ cũng có chồng cùng đi mới coi là hợp phong tục. Cô dâu là những người làm lụng vất vả trong gia đình, song vẫn bị chê. Và khi có mối bất hòa xảy ra trong ra đình, cô dâu cũng chỉ dám lánh tạm sang nhà hàng xóm ít khi về nhà bố mẹ đẻ, rồi theo sự dàn xếp của bà con mới trở lại nhà chồng. Khi vợ chồng li dị nhau (hiện tượng ít xảy ra) người con gái không được về sống với bố mẹ đẻ mà đến ở nhờ nhà chức dịch cho đến khi tái giá. Người đàn bà góa nếu không lấy em chồng mà lại lấy người khác thì tài sản, con (trừ con nhỏ) phải để lại nhà chồng. Ở một vài nơi, một nửa số con gái được theo mẹ. Người tái giá còn phải trả lại chồng cũ “tiền đầu” khi lấy chồng mới. Đó là những nỗi khổ cực đối với người phụ nữ Mèo, là nguyên nhân của những vụ tự tử xưa kia đã xảy ra và được phản ánh đậm nét trong dân ca. Tuy nhiên, cũng có nhà chồng đối xử với con dâu không đúng buộc người con gái quay về với bố mẹ đẻ, lúc đó nhà chồng phải mất tiền “tạ lỗi” thì mới được đưa cô dâu trở lại nhà mình. Nói rộng ra, cuộc sống gia đình hòa thuận và những yếu tố dân chủ trong sinh hoạt gia đình còn được biểu hiện rõ rệt là điều đáng chú ý.

Cũng như trong các gia đình nhỏ phụ quyền khác, ở người Mèo, con trai được quý trọng. Người đàn ông đi cày, khấn tổ tiên, đón thầy cúng, thay mặt cho gia đình trong các công việc làng xóm, những việc theo phong tục, phụ nữ không làm được. Có nhiều con trai là điều mong ước của mọi người.  Những gia đình không có con trai sau khi chồng chết ít quan tâm đến thờ cúng tổ tiên. Ở người Mèo không có tục lấy rể đời mà chỉ có tục lấy rể tạm. Tâm lý người con gái tự cho mình là khách khá phổ biến, Khi còn ở với bố mẹ mình, người con gái không phải kiêng như con dâu (như không ăn tim con vật 4 chân, không lên gác,…).

Việc giáo dục con được chú trọng đến nhiều mặt. Người con trai không những cần có khả năng lao động giỏi, có đạo đức tốt mà còn cần biết khấn tổ tiên. Khả năng lao động cũng sớm phát triển trong thiếu niên người Mèo. Các em trai 13, 14 tuổi đã làm nương thạo, 17-18 đã lao động giỏi, nắm được những nghề thủ công cổ truyền của gia đình. Các em gái chóng biết thêu thùa. Nhưng để trở thành người lớn thực sự, có thể cúng tổ tiên, tham gia các việc họ hàng, người con trai phải thay tên cũ, đặt tên mới bằng một nghi lễ.

Kết quả hình ảnh cho quan hệ gia đình người Mông

Con trai được chia phần tài sản đều nhau. Bố mẹ giữ cho mình phần tài sản ngang với phần các con để sinh sống và sau này dùng cho chôn cất. Con út nếu chưa lấy vợ được phần tài sản nhiều hơn, coi đó là sự đóng góp của những người anh giúp em xây dựng gia đình.

Bên cạnh gia đình phụ quyền nhỏ, cách đây không bao lâu trong người Mèo còn tồn tại gia đình lớn gồm  3, 4 thế hệ, gồm 40- 50 người mà mọi thành viên đều thấy rằng trên cơ sở sinh hoạt công bằng, hợp lý một tập thế lớn như vậy là có lợi cho sản xuất và sinh hoạt.

Với hôn nhân mua bán xưa kia, thịt, rượu, bạc trắng là những vật định giá gả bán người con gái. Trước đây, không hiếm trường hợp thách cưới từ 60- 120 đồng bạc trắng, 60- 120 kg thịt lợn, 60- 120 cân rượu. Sau này, người ta lấy một nửa là tiền giấy dùng cho sắm sửa vật dụng. Mặc dù hôn nhân được thông qua nhiều hình thức khác nhau như hỏi và cưới, kéo vợ và cưới,… nhưng chúng cũng là những biểu hiện của hôn nhân mua bán. Sự thành hôn của họ được quyết định bởi sự tương xứng khả năng kinh tế của cả hai gia đình, niềm tin về tương lai bảo đảm, do việc xem chân gà tốt, đi hỏi không gặp điềm gì xấu.

Theo phong tục, con dì con già, con cô con cậu được lấy nhau. Con trai cậu lấy con gái cô được coi là điều tốt. Người cô khi gả bán trước hết phải gả cho con cậu “nước tốt không để chảy vào ruộng người”. Còn cậu thì có quyền đòi cô gả con gái cho con trai mình, vì “tôi đã để vật quý ở đây thì phải lấy lại nó”.

Vì con cái và tài sản, tục em chồng lấy chị dâu đã tồn tại lâu dài ở vùng vùng Mèo. Trường hợp em chồng đã có vợ thì chỉ dâu chỉ làm lẽ, không có em chồng thì lấy em họ. Việc em chồng lấy chị dâu, cũng như trai lấy gái nhiều tuổi để có người làm đã làm cho tuổi vợ chồng chênh lệch nhau không ít. Do vậy người ta thường hay lấy vợ lẽ. Và người con gái trong hoàn cảnh nào đó chỉ muốn làm lẽ để có quan hệ vợ chồng tốt hơn, vì vợ cả chỉ là người làm. Cũng có người lấy vợ lẽ là do vợ cả không có con trai. Người Mèo cho rằng, ai đã định lấy vợ lẽ thì phải láy nếu không sẽ bị chết, quan niệm đó đã củng cố thêm chế độ nhiều vợ.

Kết quả hình ảnh cho tục cướp vợ người Mèo

Tục cướp vợ trước đây khá phổ biến.

Tục cướp vợ có trong nhiều dân tộc ít người ở nước ta, nhưng ở người Mèo tục này được tồn tại lâu hơn cả. Thanh niên tổ chức đón đường, kéo người con gái về, dù người đó không bằng lòng. Sau khi cướp được hai hôm, nhà trai cho người báo cho nhà giá biết và bàn việc cưới. Do đó, nhiều cô con gái phải lấy những người không vừa ý, vì người con gái đã qua lễ nhập môn thì phải lấy người con trai đã kéo mình. Khi bị cướp, bố mẹ không được cứu, cho nên người ta thường nói: đẻ con gái chỉ thua người ta. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bạn, của chị em, người con gái có thể chống lại và có trường hợp họ đã tự cứu được mình, được người xung quanh khen. Cũng có những trường hợp, người con gái bị cướp về nhà trai, nhưng quyết không lấy người cướp mình vì “không sợ ma”. Cướp vợ, nhà trai phải mất tiền gọi là tiền “đền danh dự” cho nhà gái. Tục này gây ra nhiều phiền phức cho nên đến nay hầu như không còn.

Hiện nay, hiện tượng phổ biến: trai gái yêu nhau, người con trai tổ chức kéo người con gái về. Trước khi kéo, nhà trai đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết cho đám cưới, việc xảy ra không những do trai gái yêu nhau mà cả cha mẹ cũng đã biết và đồng tình. Nói là kéo nhưng thực ra chỉ dắt tay một quãng đường ngắn rồi người con gái tự theo người con trai về.

Cũng như tục cướp vợ trước đây, sau hai hôm nhà trai cho người sang nhà gái báo và hỏi. Sau ba hôm, cô gái có thể về nhà mình, đến khi ông mối đến hỏi chính thức lại theo ông mối về nhà trai. Người ta cho kéo như vậy mới quý, không phải người con gái tự về nhà chồng. Có trường hợp phải kéo 2- 3 lần mới cưới. Ở đây, trong hôn nhân vai trò người con gái cũng quan trọng có khi bố mẹ không muốn gả, nhưng người con gái cứ để mình bị kéo nhiều lần, sau cùng cũng phải gả.

Vợ chồng người Mèo thường gắn bó với nhau như khi đi chợ cũng như khi đi nương, khi đi thăm họ nội cũng như họ ngoại, luôn có nhau. Trên đường đi, chồng đi trước, vợ đi sau như hình với bóng. Ở những người nhiều vợ, điều đó dễ xảy ra mâu thuẫn và nó giải thích được vì sao trong chế độ mới, tình trạng đa thê mất đi nhanh chóng.

Kết quả hình ảnh cho quan hệ gia đình người Mông

Trong sinh hoạt gia đình, ông cậu và bà cô có vai trò quan trọng.

Cậu (trứ lăng) tham gia dạy bảo cháu thành người có tư cách, hay làm: cháu lớn lên do bố mẹ nuôi dưỡng, cậu dạy bảo. Theo phong tục, cháu cũng có thể trở thành con rể tương lai. Cháu gái trước khi đi lấy chồng được cậu dặn dò, nếu bố mẹ thách cưới nặng, cậu tham gia ý kiến để cháu không bị nợ nần làm khổ về sau. Trong đám cưới cháu gái, cậu được quà và cũng là biểu hiện của việc nhận trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ cháu. Xưa kia, chính cậu là người đưa cháu gái về nhà chồng, nói chuyện với bố mẹ chồng  về sự làm ăn về sau của cháu.

Người cô (Mọ cứ) có trách nhiệm to lớn trong việc chỉ bảo cháu biết các tập tục cúng bái, ma chay, cưới xin và cháu thường phải làm theo sự chỉ bảo của cô. Cháu không nghe lời để cô bực không tham dự các lễ cúng được coi là hình phạt. Việc sáp nhập hay tách họ cũng phải có ý kiến của cô. Người cô có quyền sửa những tục cho là hủ bại. Như trên đã nói, khi cô gả con, cậu tham gia ý kiến, ngược lại, khi cậu gả con, cô cũng tham gia ý kiến đảm bảo cho cháu khi về nhà chồng làm ăn tốt.

Trong xã hội người Mèo những quan niệm mê tín dị đoan có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào không ít, hạn chế tiếp thu cái mới, gây nên những thảm cảnh trong gia đình và đời sống trong thôn xóm.

Như vậy, trong xã hội cũ thực dân phong kiến, người Mèo còn nhiều tàn dư xã hội nguyên thủy. Quần chúng bị áp bức bóc lột không những vì bản thân những quan hệ thực dân phong kiến mà còn do nhiều tập tục cổ xưa bị lợi dụng. cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng chống áp bức bóc lột cũng bị những quan hệ xã hội cũ chi phối, phức tạp. Cho nên, việc xóa bỏ toàn bộ những quan hệ xã hội cũ, lỗi thời vẫn đặt ra trong quá trình xây dựng xã hội mới.

(còn nữa)


Xem thêm:

Thông tin cần thiết khi đi du lịch vùng cao





 




Bài xem nhiều