Trải nghiệm những điều thú vị của Hà Giang

11/10/2017 10:10 +07 - Lượt xem: 13930

Ngắm hoa Tam Giác Mạch, loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá, nở vào đầu tháng 10 đến giữa tháng 12. Ban đầu hoa có màu trắng phơn phớt tím, về sau sẽ chuyển sang màu hồng đậm. Hoa được người dân trồng thành những thửa ruộng ở các điểm: Sủng Là, Lũng Cú, Hoàng Su Phì, Phó Bảng, Đồng Văn, Phàn Thẻng, Xín Mần, chân đèo Mã Pì Lèng….

Chiêm ngưỡng ruộng bậc thang mùa lúa chín, cũng được xem là một trải nghiệm không thể thiếu khi đến với Hà Giang.  Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được công nhận là di tích quốc gia. Ngoài ra, những nơi có ruộng bậc thang đẹp ở Hà Giang phải kể đến là các thửa ruộng ở xã Thông Nguyên, bản Péo, Nam Sơn, Hồ Thầu, Nậm Dịch.

Ngắm núi đôi Quản Bạ, ngọn núi được ví như bộ ngực căng tròn của người con gái, gắn liền với truyền thuyết về chuyện tình của chàng khổng lồ và nàng tiên nơi đây.

Leo 286 bậc đá lên cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Việt Nam, đứng dưới lá cờ đỏ tung bay phần phật trong gió, ngắm nhìn bao la đồi núi bản làng phía xa

Chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của những “ vườn đá” “ rừng đá” tai mèo mang hình thù kỳ lạ cùng những dãy núi trùng điệp hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được ghi nhận là “ công viên địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam”. Đi trên những con đường quanh co, uốn lượn ven những vách núi

Chiêm ngưỡng kiệt tác Dinh vua Mèo, với lối kiến trúc hòa quện của cả 3 nền văn hóa: Trung Quốc – người Mông – Pháp

Chinh phục đỉnh núi cao Chiêu Lầu Thi với vẻ đẹp hoang sơ tiềm ẩn nhiều loại động thực vật quý hiếm. Một địa điểm săn mây thú vị không thể bỏ qua

Lạc vào hang động đẹp nhất trong các hang động trên công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn – động Lùng Khúy. Đây là di sản có giá trị dịa chất, địa mạo và du lịch với chiều dài toàn động trên 300m. Động có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy, hình thù lạ mắt tạo thành một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm thấy

Khám phá phố cổ Đồng Văn. Đây là một thị trấn nhỏ có một khu phố và chợ cổ có lối kiến trúc hàng trăm năm tuổi, được xây bằng đá mang đậm nét đặc trưng với tường dày, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Trước cửa nhà có đèn lồng treo cao để thắp lên khi đêm xuống xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt trên cao nguyên đá.

Đi phiên chợ vùng cao. Những phiên chợ được diễn ra vào các sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Vào mỗi phiên chợ, những người dân tộc lại quần áo tươm tất, háo hức xuống chợ để bán – mua, hay chỉ đơn giản là đến chợ để ăn cái kẹo, uống với nhau chén rượu ngô. Đặc biệt, nơi đây nổi tiếng với phiên chợ Tình Khâu Vai, được tổ chức duy nhất một lần trong năm. Là nơi trai gái tìm đến trao nhau ánh mắt, nụ cười, câu hát, tiếng khèn. Để rồi khi tan buổi chợ, lại bồi hồi chờ đợi cho những phiên chợ sau

Thưởng thức ẩm thực địa phương: cháo ấu tẩu, rượu ngô, thắng cố

Cháo ấu tẩu: là loại cháo được nấu từ củ ấu tẩu cùng gạo tẻ, nếp cái, chân giò của lợn cắp nách, ninh trong 4 tiếng, ninh xong bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô là được bát cháo thơm ngon vừa ấm bụng vào mỗi buổi tối, vừa có tác dụng như một loại thuốc chữa bệnh.

Thắng cố:  Theo tiếng Mông, thắng cố được gọi là Khấu Tha, có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ ngũ tạng của bò, trâu hoặc dê ( tuy nhiên Bò là ngon nhất) được ướp mắm muối, hạt tiêu,sả, gừng rồi ninh cho đến khi chín đều. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi gỗ, bên cạnh bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dầm cay.

Tham gia các lễ hội độc đáo mang bản sắc văn hóa của đồng bào dần  tộc

Lễ hội Lồng Tồng: Là lễ hội của người dân tộc Tày. Lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng hàng năm của người dân địa phương để cầu trời cho mưa thuận gió hòa cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ

Lễ hội Gầu Tào: Là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Mông. Lễ hội diễn ra trong thời gian từ ngày mồng 1 đến ngày rằm tháng riêng nhằm mục đích cầu phúc hay cầu mệnh. Lễ hội Gàu Tàu là lễ hội lớn nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc nhất của người Mông.

Lễ hội cầu trăng: Là lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc Tày ở thôn Bản Loan, xã Yên Định huyện Bắc Mê , diễn ra vào những ngày rằm tháng tám âm lịch. Lễ hội cầu trăng có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được tổ chức vào tối 14/8 âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức “ cúng thổ công chúa bản” tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau.

Lễ hội cấp sắc : Là nghi lễ truyền thống của người Dao. Lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ Lập Tinh chỉ dành cho nam giới. Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn bị coi là trẻ con vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng cúng bái.

Lễ hội chợ tình Khâu Vai: được tổ chức duy nhất một lần trong năm vào dịp 27/3 âm lịch, lễ hội là nơi hội tụ của những đôi lứa yêu nhau, những đôi trai gái tìm bạn tình, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau. Nơi đây còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “ chợ phong lưu”, đây được coi là một hiện tượng văn hóa đặc sắc hiếm có ở Việt Nam. Đến với phiên chợ, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, rạo rực trong tiếng khèn Mông du dương trầm bổng, những lời đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Nùng, Giáy….

Lễ hội nhảy lửa: Thường được tổ chức vào cuối năm, khi tiết trời đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Đống lửa sẽ giúp mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh, thời gian làm lễ kéo dài 1 -2 giờ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu

 




Bài xem nhiều