SAPA - những điểm đến!
Đã từ lâu, SAPA luôn là một điểm đến hấp dẫn mọi du khách, dù là khách du lịch trong nước hay người nước ngoài, thì khi đến SaPa vẫn bị vẻ đẹp của vùng đất nơi này quyến rũ.
SaPa là một thị trấn nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38km, cách Hà Nội 376km. Với vị trí địa lý đặc trưng của mình, khí hậu SaPa quanh năm mát mẻ. Chính vì thế, vào những thập niên 1940 người Pháp đã xây dựng SaPa thành nơi nghỉ dưỡng khá lý tưởng mang dáng dấp của một thành phố Châu Âu. Thiên nhiên nơi đây cũng tạo nên những cảnh quan vô cùng tươi đẹp.
SaPa có những gì?
Nhà thờ đá
Vì từ lâu được xây dựng như một nơi nghỉ ngơi và điều dưỡng của người Pháp, nên SaPa chịu ảnh hưởng lớn của kiến trúc châu Âu. Ngay trong lòng phố núi, nhà thờ đá là một kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đá được xây dựng từ năm 1985, tọa lạc trên một vị trí đắc địa, án ngữ phía sau là núi Hàm Rồng, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng. Nơi đây thường là nơi diễn ra các lễ hội đặc sắc của người dân thị trấn .
Núi Hàm Rồng và vườn hoa Hàm Rồng
Nằm ngay trung tâm thị trấn, núi Hàm Rồng cũng là một điểm tham quan vô cùng thú vị. Đây là điểm ngắm Sapa đẹp nhất, cũng là nơi có nhiều loại hoa khoe sắc rực rỡ quanh năm
Tham quan núi Hàm Rồng, du khách dành nửa ngày để leo lên đỉnh núi, ngắm hoa dọc hai bên đường đi. Ở đây đa dạng các loài hoa: đỗ quyên, tràng pháo, hoa hồng, phong lan, cẩm tú cầu….
Núi hàm Rồng cũng là một điểm săn mây khá lý tưởng
Chợ SaPa
Là điểm tập trung buôn bán của người dân, cũng là nơi mang đậm nét đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Đặc biệt là những phiên chợ được tổ chức vào các ngày chủ nhật hàng tuần. Vào các phiên chợ, đồng bào các dân tộc sống quanh vùng lại nô nức cùng nhau xuống chợ mua sắm, bán đồ và không quên cùng nhau uống bát rượu thơm, chung vui với các làn điệu của người dân tộc H’mông, người Dao với những âm thanh của sáo, khèn, đàn môi. NGười ta gọi đó là “ chợ tình” – nơi trai gái trao nhau những ánh mắt tình tứ, cái nhìn e thẹn.
Chợ Sapa cũng khá nhiều các món ăn ngon, về đêm, trong không khí se lạnh, thật không còn gì thú vị bằng ngồi với nhau nhâm nhi chén rượu bên cạnh những bếp nướng thơm lừng các món ăn đặc sản nơi đây
Fansipan
Được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Phan xi păng có độ cao 3143m so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là ngọn núi cao nhất Đông Dương. Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thành phố SaPa 9km về phía tây nam. Đây là điểm hẹn hấp dẫn của những nhà leo núi, của các tay “phượt thủ” muốn thử thách bản thân bằng cách chinh phục đỉnh núi theo con đường leo bộ. Tuy nhiên nếu bạn không đủ sức để đi bằng đường bộ, hệ thống cáp treo sẽ giúp bạn lên đến đỉnh để ngắm toàn dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đứng lẫn trong những đám mây trôi bồng bềnh như tiên cảnh
Thác Bạc
Nằm ngay cạnh quốc lộ 4D – tuyến đường nối SaPa với Lai Châu, cách thành phố SaPa 12km về phía tây. Thác Bạc nằm trên địa phận xã San Sả Hồ – SaPa – Lào Cai, ngay chân đèo Ô Quy Hồ . Với độ cao 200m , đứng dưới chân núi, có thể nhìn thấy những dòng nước tung bọt trắng xóa từ trên cao ào xuống
Thác Tình Yêu
Nằm ngay khu vực Trạm Tôn, cửa rừng Hoang Liên Sơn, cũng là một trong những nơi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Fansipan , cách Thác Bạc chừng 3km trên cùng trục đường đi. Thác Tình Yêu có độ cao gần 100m được bắt nguồn từ đỉnh Fansipan chảy xuống . Để vào được thác Tình Yêu, du khách phải băng qua một rừng trúc,men theo suối Vàng và leo lên thượng nguồn là bắt gặp hình ảnh những dòng nước tung bọt trắng xóa từ trên cao. Đến với thác Tình Yêu, du khách có thể hòa mình vào làn nước trong vắt, và nếu may mắn đi vào đúng những dịp sương mù, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh sắc đẹp tựa chốn bồng lai
Bãi đá cổ SaPa
Nằm ở thung lũng Mường Hoa , thuộc địa phận của ba xã Hầu Thào, Sử Pán, Tả Van, bãi đá cổ SaPa là một di tích lịch sử như là một di chứng cho sự xuất hiện của con người nơi đây từ thời xưa. Với diện tích khoảng 8km, bãi đá cổ là một di sản thiên nhiên quý giá
Đèo Ô Quy Hồ
Là con đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, được mệnh danh là một trong “ tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Đèo Ô Quy Hồ cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nằm trên quốc lộ 4D có độ dài lên đến 50km, là một con đèo có độ hiểm trở và vô cùng hùng vĩ. Một bên là những dãy núi cao chót vót, một bên là vực sâu hun hút quanh co uốn lượn. Xa xa thấp thoáng những mái nhà sàn trên các sườn đồi, phía Lào Cai sương mù bao phủ, phía Lai Châu nắng ấm chan hòa. Nơi ranh giới cao nhất được gọi là Cổng Trời – nơi đấy, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát thung lũng Lai Châu hun hút, ngắm dãy Fansipan cao ngất phía xa xa.
Bản Cát Cát
Đến với SaPa, điểm tham quan không thể thiếu trong lịch trình của mỗi du khách là bản Cát Cát. Nơi đây là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Mông với những nét văn hóa đặc trưng riêng vô cùng thú vị. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngoài ra còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như: dệt vải, trồng lanh, chế tác công cụ phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, đồng bào ở đây còn chế tác đồ trang sức bằng bạc , đồng rất tinh xảo và độc đáo.
Ngoài những giá trị về văn hóa, phong tục, bản Cát Cát còn có một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Nằm ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, nơi hội tụ của ba dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng, suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát ( hay còn gọi là thác Tiên Sa), bản Cát Cát níu chân mọi du khách bởi vẻ hoang sơ và cũng không kém phần quyến rũ
Bản Cát Cát thuộc địa phận xã San Sả Hồ – huyện SaPa, cách trung tâm thị xã SaPa chỉ 3km nên rất thuận tiện để du khách có thể đến và trải nghiệm.
Bản Tả Van
Nếu Cát Cát đã mòn chân mọi du khách , nếu Cát Cát vẫn chưa đủ độ hoang sơ và mộc mạc của một bản làng dân tộc đúng nghĩa thì bạn cũng có thể tìm đến với Tả Van, nơi sinh sống của một số bộ phận người Mông, người Dao Đỏ và số ít người Giáy. Chỉ cách thị trấn SaPa 12km – 17km ( tùy mỗi cung đường ), nơi đây hiện lên với một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đầy thơ mộng. Nằm tựa lưng vào núi rừng Hoàng Liên Sơn trùng điệp, phía trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang. Cùng với những ngôi nhà cổ, những di tích còn sót lại của tập tục thờ đá của người Việt cổ hòa quyện với văn hóa đặc sắc của những điệu múa quạt, múa the, nhảy sạp … khiến Tả Van có một nét riêng thỏa mãn mọi du khách
Bản Tả Phìn
Thêm một địa chỉ cho những ai có niềm đam mê với SaPa, bản Tả Phìn cách thị trấn SaPa 12km, là nơi sinh sống của người Dao đỏ và người H’Mông. Đến với Tả Phìn, du khách được đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp, khám phá hang động Tả Phìn, tham quan làng dệt thổ cẩm, tìm hiểu phong tục tập quán của người Dao, người H’Mông với những đặc trưng văn hóa truyền thống : nghi lễ cưới xin, nghi lễ múa Bai Tram, múa chuông, hát giao duyên , lẽ cúng giải hạn, lễ cúng làng, lễ hội Gầu Tào. Đặc biệt, người Dao nổi tiếng với tục tắm lá thuốc, vậy nên, khi đến nơi đây, du khách đừng nên bỏ lỡ khoảnh khắc được ngâm mình trong thứ nước thuốc màu huyết dụ thơm mùi lá rừng.
SaPa thật đẹp, SaPa rất mê hoặc lòng người. Bạn hãy đến SaPa để cảm nhận một cách trọn vẹn nhất nhé. Viettourist luôn đồng hành cùng bạn!